Sáng ngày 08/08, Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công thương (CT) đã ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý (CDĐL).



Đại diện lãnh đạo 3 Bộ ký kế quy chế phối hợp. Ảnh: Ngũ Hiệp.

Hiện nay có 68 CDĐL được bảo hộ tại Việt Nam, trong đó có 62 CDĐL của Việt Nam, hầu hết trong số đó là các sản phẩm thô; trong khi đó CDĐL của Việt Nam muốn đăng ký ở nước ngoài rất khó khăn, đặc biệt là ở các thị trường lớn như Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản. Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, trong quá trình làm công tác quản lý về CDĐL, lãnh đạo các Bộ nhận thấy rằng các văn bản pháp quy của Việt Nam như Luật Sở hữu trí tuệ, quy định, thông tư khá đầy đủ nhưng để có được CDĐL trong và ngoài nước là quá trình rất “cam go”. Do vậy cần phải có sự phối hợp từ nơi sản xuất chế biến - Bộ NN&PTNN tới đưa ra thị trường - Bộ CT cùng với sự tham gia của Bộ KH&CN về sở hữu trí tuệ.

Năm 2010, cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu đánh giá việc triển khai thực thi CDĐL ở Việt Nam, trong đó chỉ rõ sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả quản lý CDĐL và sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, trên cơ sở đó đề ra định hướng xây dựng và phát triển CDĐL ở Việt Nam. Căn cứ vào báo cáo đánh giá khi đó, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ KH&CN đề xuất với Chính phủ cho phép đề xuất với Chính phủ Pháp hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ chế phối hợp giữa bộ KH&CN, bộ NN&PTNT và bộ CT.

Được sự hỗ trợ của các chuyên gia Pháp và các chuyên gia ở ba Bộ, Cục sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã chủ trì dự án xây dựng quy chế phối hợp này với mục tiêu bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa ba Bộ trong công tác xây dựng và quản lý CDĐL; tăng cường quản lý của Nhà nước về CDĐL; nâng cao nhận thức của nhà sản xuất và người tiêu dùng với các sản phẩm mang CDĐL; nâng hiệu quả hoạt động sử dụng CDĐL, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

Nội dung chính của quy chế bao gồm: xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến bảo hộ và quản lý CDĐL; tổ chức và triển khai thực hiện các cơ chế chính sách đó; phối hợp, phát hiện ngăn chặn kiểm soát và xử lý các hành vi xâm phạm quyền đối với CDĐL; hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ CDĐL; thành lập hội đồng tư vấn cho bộ trưởng 3 Bộ và các cơ quan liên quan để xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL ở Việt Nam.

CDĐL có ảnh hưởng rất lớn tới sức cạnh tranh của sản phẩm, bởi khác với nhãn hiệu, ngoài tác dụng phân biệt, CDĐL còn bao hàm cả yếu tố chất lượng trong đó. Tuy nhiên việc sử dụng CDĐL vẫn chưa đạt hiệu quả cao, một nguyên nhân chủ yếu là do đa số CDĐL của Việt Nam là nông sản nên nhà sản xuất - chủ yếu là nông dân, hợp tác xã vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về vấn đề này. Do vậy, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Trần Thanh Nam cũng khẳng định: “Sau khi ký chương trình phối hợp ở trung ương, điều quan trọng hơn cả là các cơ quan ở cấp cơ sở trên cả nước sẽ căn cứ vào đó để xây dựng các chương trình cho địa phương, sự phối hợp của ba Bộ trong quy chế này là cơ sở để phối hợp giữa cơ quan quản lý với nhà sản xuất, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng”.