Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định như vậy tại Diễn đàn “Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học” chiều 20/9.
Cụ thể, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đánh giá các nỗ lực tiên phong của Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn II (IPP2) đã góp phần thay đổi tư duy và quan niệm của lãnh đạo và giảng
viên các trường đại học đối tác về tầm quan trọng của việc hình thành một hệ
sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khuôn viên trường đại học; tạo lập mạng lưới
kết nối các giảng viên về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các trường.
Theo Thứ trưởng, việc
từng bước đưa chương trình giảng dạy về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào
trong các trường đại học sẽ giúp hình thành và nuôi dưỡng văn hóa đổi mới sáng
tạo, văn hóa khởi nghiệp trong các thế hệ sinh viên và cựu sinh viên của các
trường và lan tỏa trong cộng đồng, xã hội.
“Điều này thực sự có ý nghĩa vì để hòa nhập và hội nhập với
thế giới tiến bộ ngày nay, Việt Nam cần các thế hệ người Việt Nam dám bước ra
khỏi vùng an toàn của mình, dám suy nghĩ khác biệt và chấp nhận sự khác biệt,
dám dấn thân chấp nhận rủi ro và thất bại để cán đích thành công. Trường đại học
là tác nhân quan trọng giúp thay đổi văn hóa đổi mới sáng tạo của người Việt
Nam hôm nay và trong tương lai” - Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.
Báo cáo về những kết quả nổi bật mà IPP2 đã làm được trong thời qua, bà Trần Thị Thu Hương, Vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ KH&CN, Giám đốc Chương trình IPP2, cho biết: “Từ năm 2017 đến nay, IPP2 thực hiện Chiến lược kết thúc Dự án với trọng tâm chuyển giao các bài học kinh nghiệm và công cụ thực hành của Chương trình một cách bền vững trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Trong khuôn khổ Chiến lược này, chúng tôi đã tổ chức hai nhóm nghiên cứu độc lập soạn thảo hai tài liệu thảo luận chính sách, một về cơ chế tài chính hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo, hai là về vai trò của đại học trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam”.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, IPP2 đã giới thiệu Dự thảo cuối tài liệu thảo luận chính sách "Giáo dục đại học hướng tới thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam" do nhóm nghiên cứu trong nước kết
hợp với các chuyên gia quốc tế của IPP2 thực hiện qua phần trình bày của TS Phạm Thị Ly - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đại diện cho nhóm nghiên cứu.
TS Phạm Thị Ly đã đưa ra các nhóm khuyến nghị chính sách dành cho các lĩnh vực cụ thể như hoạt động tài trợ nghiên cứu; chính sách của trường đại học, đơn vị nghiên cứu, quản lý nhà nước...
Theo đó, TS Ly cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực
còn hạn chế của Việt Nam, việc tài trợ cho các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nên ưu tiên các hoạt động xây dựng
năng lực, kết nối hợp tác quốc tế. Phương thức tài trợ nên tận dụng cơ chế hợp tác đối ứng hoặc
các gói tài trợ / học bổng dựa trên kết quả tương tự các hợp đồng giao nhiệm
vụ. Những cơ chế này sẽ thúc đẩy tính tự chủ cũng như khả năng chịu trách nhiệm
của các trường và kích thích hiệu quả hoạt động.
TS Ly giải thích sâu hơn về các khuyến nghị: "Hiện nay, chưa có sự thừa nhận nào đối với nỗ lực của các trường trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Các nguồn tài trợ chỉ có thể mang tính chất hỗ trợ ban đầu, động lực tự thân của các trường sẽ đóng vai trò quyết định, nhất là trong bối cảnh mở rộng tự chủ như hiện nay. Điểm còn nhiều lúng túng của các trường là chương trình đào tạo khởi nghiệp ĐMST. Chúng tôi khuyến nghị những kiến thức và kỹ năng cơ bản trong khởi nghiệp ĐMST nên được tích hợp trong chương trình trở thành yêu cầu trong chuẩn đầu ra của các môn. Chúng ta cần một đội ngũ chuyên gia nghiên cứu chương trình đào tạo về khởi nghiệp ĐMST và chúng ta cần dựa vào hợp tác quốc tế để đào tạo chuyên sâu và đầu tư để có những học giả hàng đầu trong nước và trong lĩnh vực này".
Theo TS Ly, để đào tạo về khởi nghiệp ĐMST một cách hiệu quả bền vững thì bản
thân các trường phải trở thành hình mẫu về khởi nghiệp ĐMST, các trường có đơn vị hoạt
động như spin-off để kết nối với thế giới sản xuất và kinh doanh bên
ngoài...
Ngoài ra, TS Ly cũng chỉ ra một vấn đề gai góc đang nổi lên là việc xử lý các mối
quan hệ về sở hữu trí tuệ đối với việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu của giảng
viên khi nghiên cứu đó dựa trên nguồn vốn, kinh phí đề tài của trường. Kinh
nghiệm xử lý vấn đề này là có thể dựa vào
đơn vị thứ 3 hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực này để họ định giá đóng
góp của các bên rồi đề xuất giải pháp cho từng trường hợp cụ thể.
TS Ly khẳng định rằng, tài liệu nghiên cứu này là một trong các phương thức truyền
bá và lan tỏa tri thức tốt nhất, ngay cả sau khi Chương trình IPP2 kết thúc sứ mệnh
hoạt động của mình ở Việt Nam.
Diễn đàn “Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học” do IPP2 phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tổ chức từ chiều 20 đến ngày 22/9/2018 tại Hà Nội nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Phần Lan.
Tham dự Diễn đàn có các lãnh đạo của Bộ Khoa học
và Công nghệ, lãnh đạo Chương trình IPP2 cùng khoảng 100 đại biểu đến từ Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam; một số trường đại học Việt Nam và Phần Lan; các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ
Lao động,
Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, các tổ
chức
giáo dục quốc tế và một số đại sứ quán tại Hà Nội...