Cần cho phép thừa nhận các kết quả thử nghiệm lẫn nhau giữa các phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận trong và ngoài nước, đồng thời xây dựng các chuẩn mực, tiêu chuẩn trong ngành dịch vụ và xử phạt nghiêm minh những doanh nghiệp làm ăn gian dối.
Đó là kiến nghị của các đại biểu tham dự Diễn đàn Chất lượng Quốc gia năm 2017, vừa được tổ chức lần đầu tiên tại TPHCM ngày 3/11. Sự kiện này do Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TC – ĐL – CL) phối hợp với Viện Vật lý kỹ thuật Cộng hòa liên bang Đức (PTB) tổ chức với chủ đề: Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế và khu vực.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TC – ĐL – CL, đây là hoạt động có ý nghĩa đối với các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong khuôn khổ chiến lược của ASEAN về tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp giai đoạn 2016 – 2020.
Hiện tất cả các nước trong ASEAN đều có những hoạt động đẩy mạnh, nâng cao vai trò của hạ tầng chất lượng quốc gia, giới thiệu đến các doanh nghiệp trong ASEAN với mục đích đưa các hoạt động về hạ tầng chất lượng quốc gia, TC – ĐL – CL tới các doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp một cách tốt hơn. Tại Việt Nam đây là một trong những chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ trong thời gian qua. Theo tinh thần của Nghị quyết 35 của Chính phủ, Việt Nam hiện nay đã và đang đẩy mạnh việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong quá trình hội nhập – ông Linh cho biết.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã được cung cấp cái nhìn tổng quan về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT); các quy định về TBT tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam; cách thức tiếp cận và vượt qua các hàng rào kỹ thuật để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam vào các thị trường lớn trên thế giới;… Đồng thời, Diễn đàn cũng tăng cường sự hiểu biết của khối nhà nước và tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ về vai trò của hạ tầng chất lượng quốc gia, bao gồm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường và đánh giá sự phù hợp; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ASEAN,…
Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, chuyên gia kinh tế, hiện nay, còn khá nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ít hoặc không quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Nhiều nơi vẫn sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, họ có thể nghỉ hoặc chuyển sang sản xuất mặt hàng khác. Trong khi đó, người dân rất khó nhận biết những sản phẩm nói trên.
"Vì vậy, cần phải làm thế nào để nâng cao nhận thức và để doanh nghiệp tiếp cận được với những hệ thống quản lý chất lượng. Đối với người tiêu dùng phải đưa ra các cách giúp họ phân biệt để tẩy chay những sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng", ông Dũng kiến nghị.
Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Theo ông Rajineder Sud – chuyên gia của PTB, muốn hạn chế được tình trạng này thì phải có vài trò và sự tham gia tích cực của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ cần xây dựng được khung pháp lý rõ ràng, hiệu quả và khả thi khi áp dụng. Việc đảm bảo được đội ngũ giám sát thị trường để nắm bắt được những diễn tiến của thị trường cũng rất quan trọng.
Ông Rajineder Sud cho rằng, cần có cơ chế thực thi, chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm.