Mới đây, tạp chí Khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội có bốn lĩnh vực khoa học được cơ sở dữ liệu khoa học Trung tâm Trích dẫn ASEAN (ASEAN Citation Index - ACI) chấp nhận với điểm số đạt chuẩn, đó là: Toán - Lý; Nghiên cứu Giáo dục; Khoa học Tự nhiên và Công nghệ; Khoa học Y Dược.

Ảnh minh họa: VNU
Ảnh minh họa: VNU

Tạp chí được thành lập vào năm 1985 và được tổ chức lại theo Quyết định số 681/TCCB ngày 4/12/2001 của Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội.
Theo đó, chức năng và nhiệm vụ chính của Tạp chí là công bố, giới thiệu các công trình khoa học và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn trong và ngoài nước phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

Hiện nay Tạp chí Khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội xuất bản 12 chuyên san về các lĩnh vực: Toán - Vật lý; Khoa học Tự nhiên và Công nghệ; Nghiên cứu nước ngoài; Khoa học Xã hội và Nhân văn; Các Khoa học trái đất và Môi trường; Kinh tế và Kinh doanh; Luật học; Nghiên cứu Giáo dục; Vật liệu tiên tiến và công nghệ nano; Khoa học sự sống; Hóa học; Công nghệ Thông tin và Truyền thông.

Trước đó, Tạp chí Vật liệu và Linh kiện tiên tiến JSAMD, cũng thuộc hệ thống Tạp chí Khoa học của ĐH Quốc gia Hà Nội đã được SCImago xếp vào nhóm những tạp chí khoa học uy tín nhất (nhóm Q1) về lĩnh vực vật liệu composite và vật liệu từ, điện tử, quang. Đây là lần đầu tiên một tạp chí khoa học của Việt Nam được lọt vào danh sách 25% tạp chí khoa học uy tín nhất.

JSAMD cũng được xếp hạng Q2 về lĩnh vực khoa học vật liệu và vật liệu sinh học.

ACI đưa các công trình nghiên cứu khoa học từ hệ thống trích dẫn quốc gia (National Citation Index - NCI) của các nước thành viên kết nối với các cơ sở dữ liệu khoa học uy tín thế giới như Web of Science, Scopus. Sau 13 năm hoạt động, đến nay ACI đã đưa hơn 73.000 bài báo vào cơ sở dữ liệu.

Để được đưa vào ACI, tạp chí khoa học phải đáp ứng các tiêu chuẩn tiệm cận các hệ thống trích dẫn uy tín hàng đầu thế giới bao gồm sáu tiêu chuẩn vòng 1 và chín tiêu chuẩn vòng 2 như: Tính thuyết phục của chính sách biên tập; Hình thức phản biện kín; Tính đa dạng về mặt địa lý của các thành viên ban biên tập; Tính đa dạng về mặt địa lý của các tác giả; Đóng góp học thuật cho lĩnh vực nghiên cứu của tạp chí; Sự rõ ràng trong phần tóm tắt bài báo; Chất lượng và sự phù hợp của bài báo với mục đích và phạm vi nội dung của tạp chí; Xuất bản đúng kế hoạch thời gian tạp chí thông báo; Chất lượng của website tạp chí, website của tạp chí dùng tiếng Anh và theo tiêu chuẩn quốc tế, được trích dẫn trong các CSDL khoa học quốc gia và quốc tế; Tạp chí có hệ thống tiếp nhận và xử lý bài báo trực tuyến.