Hệ thống cảnh báo lũ sớm đang được áp dụng tại Bình Định giúp người dân nhận được thông tin về lũ 15 phút trước khi sự cố thiên nhiên này xảy ra, thay vì lũ đến lúc nào biết lúc đó như thực trạng lâu nay.
Tại hội nghị quốc tế về "Tạo tính bền vững về khả năng chống chịu cho các đô thị Việt Nam - bài học 7 năm thực hiện chương trình ACCCRN" trong khuôn khổ Chương trình Các thành phố châu Á có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu (ACCCRN), tổ chức ngày 24/11 tại Hà Nội, TS Nghiêm Phương Tuyến - Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET) tại Bình Định - cho hay: Dự án cảnh báo lũ sớm tại Quy Nhơn, Bình Định đã áp dụng công nghệ dễ tiếp cận như hệ thống tin nhắn, qua đó việc thông tin cho các cấp lãnh đạo để thực hiện các hành động ứng phó với lũ lụt giảm xuống chỉ còn 15 phút.
Dự án đã xây dựng 4 trạm quan trắc đo mưa, đo mực nước tự động và 1 trạm thu nhận, xử lý thông tin; lắp đặt trên địa bàn hai phường tổng cộng 212 cọc tiêu, 36 thủy chí, 10 tháp báo lũ, 32 pano tuyên truyền phòng chống lụt bão. Việc tổng hợp và phân tích thông tin trên máy tính có thể giúp đưa ra dự báo về mực nước sông, đồng thời hệ thống truyền tin nhắn cảnh báo cũng được khởi động. Nhờ đó, người dân đã có thể biết lũ về trước 15 phút để di chuyển.
Sáng kiến xây dựng hệ thống quan trắc ở các khu vực sông lớn tại Bình Định để cảnh báo lũ sớm đã được đánh giá cao về tính ứng dụng và giảm thiểu rủi ro cho người dân. Qua hệ thống này, lần đầu tiên địa phương đã xây dựng được mạng lưới truyền thông tin về lũ qua tin nhắn cảnh báo sớm, giảm thiểu rủi ro đáng kể, đồng thời nâng cao tính liên kết cộng đồng.
Thùy Thủy