Đó là quan điểm của TS Ngô Hoàng Văn - Hội nước và Môi trường TPHCM. Ông cho rằng sở dĩ TPHCM tuy đã xóa được nhiều điểm ngập nhưng cũng xuất hiện nhiều điểm ngập mới và một số điểm tái ngập là do thành phố đang chống ngập ngược với khoa học.
Ý kiến này được đưa ra tại hội thảo “Vấn đề ngập nước trên địa bàn TPHCM – 40 năm nhìn lại” do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức ngày 24/11.
TS Ngô Hoàng Văn cho rằng, TPHCM là đô thị nền cao, tình trạng ngập nước đã có từ xa xưa do thiếu mạng lưới thoát nước hoàn chỉnh và quản lý quy hoạch cao độ nền không chặt, để phát sinh các khu dân cư nền thấp. Nay do biến đổi khí hậu, các khu đô thị, khu dân cư nền thấp tăng thì quy mô ngập sẽ tăng theo. Nghề thoát nước mặt đô thị ở thành phố hình thành chậm, cơ sở khoa học kỹ thuật của nghề ở giai đoạn đầu phát triển khá, nhưng chậm và không đồng bộ.
"Gần đây, khoa học kỹ thuật thoát nước mặt đô thị trên thực tế hầu như không phát triển, mặc dù công tác chống ngập đang khá cấp thiết. Phong trào chống ngập diễn ra hầu như không theo khoa học kỹ thuật thoát nước mặt, cũng không theo quy hoạch thoát nước. Kết quả là thành phố không khắc phục được tình trạng ngập, các điểm tái ngập thường xuất hiện, các điểm ngập mới diễn ra ngày càng trầm trọng hơn" - TS Văn nhận định.
Do vậy, theo TS Văn, thành phố cần sử dụng các dữ liệu thu thập được trong quản lý, các thiết bị khảo sát lòng cống, phần mềm tính toán thủy lực để đánh giá và tìm ra nguyên nhân ngập tại các điểm ngập hình thành do mưa ngày 26/9/2016, trên cơ sở đó đề xuất ngay các giải pháp khắc phục gấp trong mùa khô tới.
PGS-TS Đỗ Tiến Lanh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam - thì cho rằng, TPHCM đang thiếu một chuyên gia đầu đàn có đủ chuyên môn, năng lực, đủ sức tập hợp các nhà khoa học để đưa ra những ý kiến đóng góp, giải pháp chống ngập cụ thể cho Thành phố. Việc quy hoạch chống ngập,Thành phố phải tập trung đánh giá lại những điểm chưa được và đưa ra vấn đề cấp thiết cần phải thực hiện trong thời gian tới.
Kiều Anh