Ban chỉ đạo dự án VKIST vừa có phiên họp nhằm xem xét tiến độ thực hiện các hợp phần của dự án, từ xây trụ sở đến các chương trình phát triển năng lực hay hoạt động nghiên cứu và triển khai..., trong bối cảnh một số hợp phần có nguy cơ bị chậm tiến độ do đại dịch Covid-19.
Chiều 28/5, Bộ KH&CN và Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) đã tổ chức kỳ họp lần thứ 3 Ban chỉ đạo dự án VKIST.
Tham dự phiên họp có ông Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Trần Việt Thanh - nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, cố vấn cấp cao Viện VKIST; ông Kum Donghwa – Viện trưởng VKIST; ông Chung Yun Chul – Giám đốc dự án VKIST tại KIST cùng đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc KOICA tại Việt Nam...
Phiên họp nhằm xem xét, đánh giá tiến độ thực hiện các hợp phần của dự án: xây dựng trụ sở VKIST; mua sắm trang thiết bị; các chương trình phát triển năng lực; hoạt động nghiên cứu và triển khai; hoạt động mạng lưới nghiên cứu và hợp tác quốc tế; hệ thống vận hành và bộ máy tổ chức.
Dự án VKIST dự kiến kết thúc vào cuối năm 2020 với lễ khánh thành Viện VKIST diễn ra vào tháng 11/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, tiến độ một số công việc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Về tiến độ xây dựng trụ sở viện VKIST, theo Viện trưởng Kum Donghwa, hiện khối lượng công việc mới hoàn thành 64%. Dự kiến, hạng mục này sẽ được nhà thầu bàn giao vào tháng 8/2020 nhưng do ảnh hưởng của Covid-19 nên không bổ sung được lực lượng công nhân làm việc tại công trường. Ngoài ra, trước đó, phía lãnh đạo Viện có thay đổi kết cấu phòng thí nghiệm, nên việc này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian hoàn thiện công trình.
Sau những thảo luận với nhà thầu Posco và các đơn vị chịu trách nhiệm triển khai hoàn thiện phần tiểu cảnh, Thứ trưởng Bùi Thế Duy chỉ đạo, hợp phần xây dựng cần được quyết tâm triển khai để kịp kế hoạch khánh thành vào tháng 11/2020. Posco sẽ cùng VKIST đưa ra các điều chỉnh cụ thể với từng hạng mục, ưu tiên phần phục vụ cho lễ khánh thành. Các hạng mục khác hoàn thiện song song và dự kiến hoàn thiện trước tháng 12/2020.
Về chương trình phát triển năng lực, dù đã lên kế hoạch thực hiện các khóa đào tạo ngắn và trung hạn tại Hàn Quốc với mục tiêu 3 đợt ngắn hạn kéo dài 1 tuần, 8 đợt định kỳ kéo dài 3 tháng và 8 đợt ngắn hạn tại Việt Nam kéo dài 1 tuần nhưng thực tế, mới triển khai được 1 đợt ngắn hạn và 3 đợt định kỳ tại Hàn Quốc, và 3 đợt ngắn hạn tại Việt Nam.
Về hoạt động khảo sát công nghiệp và dự án nghiên cứu chung, các cán bộ của Viện VKIST đã tổ chức 5 khảo sát công nghiệp thông qua các nhiệm vụ KH&CN, trong đó có 1 đề tài cấp Bộ về dự án Chipset GPON và 4 đề tài cấp cơ sở về chuỗi thức ăn cho cá tra, tôm, chim yến (lĩnh vực IoT nông nghiệp) và Set-top box (lĩnh vực linh kiện điện tử).
Ngoài ra, VKIST đang tiếp tục đẩy mạnh các dự án khảo sát nông nghiệp và dự án nghiên cứu chung trong các lĩnh vực sản phẩm thảo dược, IoT trong nông nghiệp và động cơ mô –tơ. Đây là những lĩnh vực VKIST đã có trưởng nhóm nghiên cứu để thực hiện.
Về hoạt động và cách thức quản lý Viện VKIST, đại diện Viện cho biết, ngay từ khi khởi động, Viện đã tìm kiếm tuyển dụng nhân sự khối nghiên cứu. Viện đã bắt đầu thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu nhưng do chưa có đủ nhân sự nên hiện Viện đang phối hợp với các nhà nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu khác cũng như doanh nghiệp trong các đề tài, dự án của mình.
Một trong những thành tựu đáng chú ý là Viện đã phối hợp với phân hiệu KIST Gangneung mở phòng thí nghiệm đầu tiên của VKIST tại Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên một viện nghiên cứu của Việt Nam có phòng thí nghiệm tại nước ngoài.
“Văn phòng Bộ, Vụ Công nghệ cao và Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật phối hợp với VKIST triển khai các đề tài cấp Bộ để đáp ứng tiến độ kinh phí giải ngân hàng năm. Các nhiệm vụ nghiên cứu này phải học hỏi quy trình mới của quốc tế, đáp ứng yêu cầu của chính phủ Việt Nam. Đặc biệt, kế hoạch phải được xây dựng cho năm 2020 và 5 năm tiếp theo (2021-2015)” – Thứ trưởng Bùi Thế Duy chỉ đạo và giải thích thêm “vì những nhiệm vụ khoa học này sẽ là tiền đề cho giai đoạn 2 của dự án VKIST, tập trung sâu hơn vào nghiên cứu và đào tạo đội ngũ con người”.