Ngày 27/5, Sở KH&CN TPHCM đã trao giải cho 8 sáng chế, trong đó có 3 sáng chế của cùng tác giả Trần Doãn Sơn (Trường Đại học Bách khoa TPHCM) đoạt các giải thưởng khác nhau.
Giải thưởng Sáng chế TPHCM năm 2019 – 2020 được phát động từ tháng 9/2019. Đối tượng dự thi là các sáng chế đã được cấp bằng độc quyền sáng chế hoặc bảo hộ độc quyền Giải pháp hữu ích, có khả năng áp dụng công nghiệp và đang được khai thác trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong số 18 giải pháp gửi dự thi, Ban tổ chức đã chọn ra được 8 sáng chế tiêu biểu để trao giải. Cụ thể:
1 Giải Nhất trị giá 40 triệu đồng thuộc về sáng chế “Gối dùng để điều trị và phòng ngừa ở cột sống cổ” của BS Phạm Thị Kim Loan (Doanh nghiệp KH&CN Ngân Hà). Sáng chế đề cập đến gối đa năng dùng để phòng ngừa và điều trị các bệnh lý liên quan đến đốt sống cổ. Gối được thiết kế theo cấu trúc của đốt sống cổ, ôm sát, giúp đốt sống cổ giữ được độ cong sinh lý, không bị thoát vị và không làm chèn ép mạch máu. Hiện hơn 37 ngàn chiếc gối đã được bán ra thị trường trong và ngoài nước.
2 Giải Nhì, trị giá 32 triệu/giải, thuộc về các sáng chế “Thiết bị sản xuất bún bao gồm cơ cấu ép đùn bột nước” của tác giả Trần Doãn Sơn, giúp bột làm bún chín từ từ sau khi được ép đùn ra khỏi trục vít của thiết bị mà không cần phải qua khâu luộc hoặc hấp chín bún; và “Hệ thống thoát nước mưa và nước thải có chức năng hạn chế tác động của triều cường” của tác giả Nguyễn Công Anh (Công ty TNHH Mục tiêu môi trường và Cộng đồng) có khả năng thoát nước trên đường ngay cả khi mưa lớn kết hợp với triều cường, đồng thời ngăn rác, bùn, đất chui vào các lòng hố ga thu nước và các mương dẫn, ngăn mùi và các sinh vật như chuột và gián...
1 Giải Ba, trị giá 24 triệu đồng thuộc về sáng chế “Thiết bị sản xuất bánh tráng dạng tròn” của tác giả Trần Doãn Sơn. Thiết bị đáp ứng yêu cầu của công nghệ sản xuất bánh tráng từ bột pha loãng thành bánh tráng dạng tròn, giúp tăng năng suất, tránh lãng phí nguyên liệu sau tạo hình.
4 Giải Khuyến khích, trị giá 8 triệu đồng/giải thuộc về các sáng chế: “Quạt hộp có cơ cấu chuyển hướng gió theo chiều ngang, chiều dọc và tản gió đa chiều” của tác giả Trần Chí; “Thiết bị sản xuất bánh tráng rế tự động lấy bánh” của tác giả Trần Doãn Sơn; “Móng nêm” của tác giả Lê Hiệp Tuấn; “Hệ thống ngăn ngừa và giảm thiểu tai nạn xe ô tô” của tác giả Nguyễn Long Uy Bảo.
Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở
KH&CN TPHCM, cho biết, Giải thưởng Sáng chế TPHCM ra đời từ năm
2008, được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, nhằm thúc đẩy các hoạt động đổi
mới sáng tạo, tiến bộ KH&CN trong các tầng lớp nhân dân, tổ chức và
doanh nghiệp. Một mục tiêu khác của Giải là thúc đẩy tăng số
lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của mọi chủ thể trên địa bàn thành phố, nhằm tạo cơ sở
cho việc thương mại, chuyển giao kết quả cho các ngành công nghiệp.
Kiều Anh