Cuộc thi Creative Idea Contest - CiC 2020 vừa được khởi động, nhằm thu hút các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên; đồng thời giúp sinh viên nâng cao kỹ năng, kiến thức và tư duy khởi nghiệp.

Cuộc thi năm nay có chủ đề “Đổi mới Sáng tạo - Thách thức Thị trường”, do Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo ĐH Quốc gia TPHCM thuộc Khu Công nghệ Phần mềm ĐH Quốc gia TPHCM (ITP) phối hợp với ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc tế TPHCM tổ chức, dưới sự hỗ trợ của Sở KH&CN và Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp ĐH Quốc gia TPHCM.

Thông qua các vòng thi, các nhóm thí sinh sẽ nắm được quá trình phát triển, các giai đoạn và cách thức để một ý tưởng khởi nghiệp trở thành một dự án kinh doanh. Các dự án tiềm năng còn được hỗ trợ gọi vốn đầu tư, tham gia các chương trình ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp của ITP và đối tác quốc tế.

v
Sau cuộc thi CiC, nhiều ý tưởng khởi nghiệp đã gọi được vốn đầu tư. Ảnh: ITP

Cơ cấu giải thưởng bao gồm: 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng, 1 giải Nhì 30 triệu đồng, 2 giải Ba 10 triệu đồng, 3 giải Khuyến khích 5 triệu đồng, 1 Giải cộng đồng 5 triệu đồng. Ngoài ra, các giải thưởng trên còn nhận được Gói hỗ trợ Web service từ Amazon (AWS) 2.000 USD/năm và 1 gói ươm tạo 1 năm tại ITP trị giá 100 triệu đồng. Riêng Giải Nhất được nhận thêm Gói tham quan và học tập tại Singapore/Hàn Quốc hoặc tương đương.

Sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, học viện trên toàn quốc và quốc tế đều có thể đăng ký tham dự theo nhóm từ 2 – 4 sinh viên.

Nhiều dự án tiềm năng gọi vốn thành công

CiC được tổ chức hằng năm, kể từ năm 2016. Sau mỗi cuộc thi đều có các dự án tiềm năng của sinh viên gọi vốn thành công.

Năm 2018, hơn 1,5 tỷ đồng được đầu tư cho các dự án khởi nghiệp của CiC. Cụ thể: dự án Flood housing xây nhà với chi phí thấp, ứng dụng được với nhiều địa hình, đặc biệt phù hợp với vùng lũ lụt và vùng thường xuyên bị thiên tai, được Công ty Đầu tư Nguyễn Hà và Công ty Cổ phần Điện mặt trời Vũ Phong đầu tư 300 triệu đồng; dự án Shub - hệ sinh thái hỗ trợ sinh viên và cán bộ giảng viên trong việc hình thành môi trường Đại học thông minh (Smart campus) qua việc xây dựng một nền tảng các ứng dụng công nghệ vào các hoạt động diễn ra ở trường - được Công ty HTC-ICT và Meete đầu tư 300 triệu đồng; VSN Academy - ý tưởng xây dựng một hệ thống đào tạo trực tuyến dựa trên nền tảng công nghệ kết nối 4 bên bao gồm người học, người dạy, trường học và doanh nghiệp, được Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp ĐH Quốc gia TPHCM đầu tư 200 triệu đồng và Công ty HTC-ITC đầu tư 100 triệu đồng; dự án iNut Platform - nền tảng công nghệ dùng cho việc lập trình và phát triển các ứng dụng của IoT để tạo nên một hệ thống IoT kết nối giữa những thiết bị chạy bằng điện (cảm biến, đèn, quạt, tụ điện, ...) và điều khiển được trên điện thoại thông minh hoặc máy vi tính, được Công ty HTC –ICT đầu tư 625 triệu đồng.

4 dự án khác từ cuộc thi CiC 2019 cũng gọi được vốn đầu tư với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, dự án như Dự án Acoustic - Ứng dụng trải nghiệm nhạc cụ tại các quán cà phê giành giải CiC 2019 được quỹ đầu tư VinaCapital cam kết đầu tư 1 tỉ đồng. Nhà đầu tư Phạm Nam Phong - CEO Công ty Điện mặt trời Vũ Phong, cũng quyết định đầu tư từ 140 - 200 triệu đồng cho dự án này. Dự án "BLAKE - Thương mại hóa và chuyển giao các sản phẩm Khoa học công nghệ" được nhà đầu tư Phạm Nam Phong quyết định đầu tư 100 triệu đồng với 10% cổ phần;…

Truy cập website chính thức của CiC 2020 để biết thêm thông tin về thể thức và hành trình của Cuộc thi: https://cic.itp.vn/