Đây là một trong những nội dung của Công văn số 419/BKHCN-TĐC (ngày 21/2/2018) về lộ trình chuyển đổi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2008 sang TCVN ISO 9001:2015 cho các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
Tại Hội thảo “Triển khai Công văn số 419/BKHCN-TĐC cho các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước” do Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEDEC2) tổ chức ngày 6/4 tại TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng cho biết, điểm ưu việt của ISO 9001: 2015 là tập trung vào phân tích được bối cảnh của tổ chức, từ đó nhận diện và kiểm soát tốt các rủi ro nhằm đưa ra định hướng, chiến lược phù hợp cho từng giai đoạn. Bên cạnh đó, hệ thống này cũng giúp giảm bớt các thủ tục giấy tờ, giúp các tổ chức áp dụng một cách linh hoạt và tinh gọn về mặt hệ thống.
"Việc thay thế ISO 9001: 2015 nhằm từng bước cải tiến nền hành chính, hệ thống hóa quá trình xử lý công việc hợp lý, khoa học. Đồng thời, tạo điều kiện để người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước kiểm soát được quá trình giải quyết công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công" - ông Linh chia sẻ.
Ông Linh cho biết thêm qua 10 năm đưa ISO áp dụng tại các cơ quan quản lý nhà nước đã mang lại hiệu quả lớn, góp phần hỗ trợ đáng kể cho việc công khai, minh bạch, cụ thể hóa quá trình, thủ tục giải quyết công việc theo yêu cầu của tổ chức và công dân. Áp dụng ISO đã giúp hồ sơ, công việc của các đơn vị được thu thập, sắp xếp và lưu trữ khoa học. Việc cập nhật thông tin được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, theo dõi được quá trình giải quyết công việc, kiểm soát tài liệu được thực hiện tốt hơn.
Theo Công văn, đối với các cơ quan, tổ chức lần đầu xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng thì nghiên cứu, áp dụng theo TCVN ISO 9001: 2015. Đối với các cơ quan, tổ chức đã xây dựng, áp dụng hệ thống TCVN 9001: 2008 sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang TCVN ISO 9001: 2015. Việc chuyển đổi này thực hiện trước ngày 30/6/2021 sao cho phù hợp, tiết kiệm và tránh lãng phí.
Ông Nguyễn Chí Danh – Nguyên Trưởng phòng tư vấn SMEDEC2 cho biết, so với TCVN ISO 9001: 2008, TCVN ISO 9001: 2015 có một số điểm khác biệt về Nguyên tắc quản trị chất lượng; Cấu trúc và từ vựng mới; Thêm mới điều khoản 4 - Bối cảnh của tổ chức; Không có điều khoản riêng về Hành động phòng ngừa mà nhất quán với tiếp cận về quản lý rủi ro; Không yêu cầu bắt buộc tổ chức áp dụng phải thiết lập một tài liệu “Sổ tay chất lượng”;…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Danh, áp dụng ISO 9001: 2015 không phải là làm thêm việc mà là thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ chức năng được quy định, trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành. Từ đó biết được mức chất lượng đạt được để tìm ra biện pháp cả tiến, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý.
Tại Hội thảo những ý kiến, thắc mắc của các đại biểu như Bộ KH&CN cần xây dựng một mô hình khung để áp dụng việc chuyển đổi, có bắt buộc áp dụng TCVN 9001: 2015 đối với 100% cấp xã, kinh phí thực hiện việc chuyển đổi, các đơn vị được cấp chứng nhận tư vấn ISO 9001: 2015;… được các chuyên gia giải đáp cụ thể.
Ông Linh cho biết thêm, dự kiến, đến cuối năm 2018, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng sẽ ban hành mô hình khung để các đơn vị áp dụng trong việc chuyển đổi. “Tuy nhiên, các địa phương có thể tự cải tiến, thuê tư vấn để triển khai ngày việc chuyển đổi, không nhất thiết phải chờ ban hành mô hình khung vì đây không phải là quy định bắt buộc mà chỉ để tham khảo” – ông Linh nói.