Ông Huỳnh Tấn Kiệt (TPHCM) đã nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị lò đốt áp lực, dùng để đốt các loại chất thải lỏng mà không phát tán khói và khí thải làm ô nhiễm môi trường.
Ông Kiệt cho biết, hàng năm một lượng rất lớn lượng nhớt thải (chất thải nguy hại) bị thải ra làm ô nhiễm môi trường trong khi lượng nhớt thải này có thể tận dụng làm chất đốt được.
Tuy nhiên, nếu đốt theo cách truyền thống thì sẽ thải ra nhiều khói và khí thải độc. “Với kinh nghiệm 30 năm làm việc trong nghề cơ khí, tôi thấy rằng cần phải thay đổi cách hòa trộn chất đốt và hòa khí trong thiết bị đốt mà nguyên tắc gọi là hòa khí hoàn toàn thì sẽ cho sự đốt cháy hoàn toàn không phát sinh khói” – ông Kiệt chia sẻ ý tưởng đầu tiên của mình.
Sau khi sử dụng các thiết bị đốt trong nước và ngoại nhập, ông nhận ra áp lực gió không đủ sức phân tán nhuyễn giọt dầu, nhất là không thể sử dụng được nhớt thải. Vì vậy, cần phải có lực gió lớn hơn và hệ thống phân tán nhuyễn giọt dầu nhiều hơn. Với ý tưởng đó, ông đã nghiên cứu và chế tạo thiết bị lò đốt áp lực dùng gió áp lực cao hay gió turbo thay cho gió cánh quạt.
Ông Huỳnh Tấn Kiệt giới thiệu thiết bị lò đốt áp lực tại Techmart Y tế TPHCM 2019. Ảnh: KA
“Dầu được cung cấp vào ống ở trung tâm và gió thổi bao quanh trong ống với áp lực cao sẽ cuốn dầu đi theo và phân tán nhuyễn dầu theo cấp số nhân và được đốt cháy hoàn toàn” – ông Kiệt nói và cho biết, nhờ nguyên lý này, thiết bị không chỉ đốt được dầu DO mà còn sử dụng trong việc đốt cả nhớt thải mà các thiết bị khác không đốt được.
Theo ông Kiệt, một trong những ưu điểm nổi trội của thiết bị lò đốt này là sử dụng nhớt thải ô tô, xe máy làm nhiên liệu với hiệu suất cao. Chỉ cần 1 lít nhớt thải để đốt lò nung, sấy trong vòng 1 giờ đồng hồ với mức nhiệt có thể lên tới 1.000ºC. Thiết bị có thể được ứng dụng trong ngành nấu nhôm, nhựa phế liệu, đốt chất thải lỏng nguy hại, sấy, tiệt trùng nông sản sau thu hoạch, chưng cất các loại tinh dầu,…
Ông Lê Phong Phú, Hợp tác xã Thái Dương (Bình Lợi, Bình Chánh, TPHCM), đã sử dụng thiết bị lò đốt áp lực không khói của ông Kiệt trong việc sấy xơ dừa, lá cọ dầu. Kết quả khí thải do Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động TPHCM phân tích tại ống thoát khí của hệ thống sấy bằng thiết bị lò đốt áp lực dùng nhớt thải đạt yêu cầu theo quy định tại QCVN 19:2009/BTNMT.
Hiện thiết bị còn được sử dụng trong sản xuất đậu hũ, chưng cất tinh dầu, sấy nông sản ở Tân Phú, Củ Chi (TPHCM).
Kiều Anh