Để xây dựng thương hiệu, không chỉ cần đăng ký sở hữu trí tuệ mà còn phải nuôi dưỡng và bảo vệ nó. Thế nhưng, ý thức về sở hữu trí tuệ của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao và chưa biết khai thác hết quyền của mình mà luật cho phép.

Ngày 27/9 tại TPHCM, Hội Sáng chế Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Xây dựng thương hiệu và phòng chống hàng giả cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế”.

Tại đây, chia sẻ kinh nghiệm chống hàng giả tại Diễn đàn, bà Phạm Thị Đào – Tổng Giám đốc Công ty Mỹ phẩm Anh Đào - cho biết, Công ty Mỹ phẩm Anh Đào được thành lập từ năm 2003, chuyên sản xuất mỹ phẩm thuần Việt với thương hiệu được đăng ký bảo hộ Anh Đào - Sứ Tiên. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian sản phẩm có mặt trên thị trường thì xuất hiện nhiều sản phẩm làm nhái với các thương hiệu khác như Hồng Tiên, Như Tiên, Nhất Tiên,… Trước thực tế đó, Công ty đã phải tìm nhiều phương án để giải quyết như làm việc với cơ quan quản lý thị trường, sở hữu trí tuệ, dược phẩm,…

“Nhận thấy tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp và tinh vi, Công ty quyết định đầu tư thiết bị, công nghệ cao, sản xuất đúng quy trình và sử dụng tem chống hàng giả. Ngoài ra, trên sản phẩm, hàng hóa ở mỗi tình đều gắn mã vùng và có hệ thống bán hàng độc quyền” – bà Đào nói và cho biết, bằng những biện pháp nói trên nên, Công ty đã chứng minh được một số trường hợp đã làm giả hàng của mình.

Bà
Bà Phạm Thị Đào chia sẻ kinh nghiệm cách phòng chống hàng giả

“Doanh nghiệp phải tự cứu mình trước để phòng, chống làm hàng giả, hàng nhái bằng cách đăng ký bảo hộ thương hiệu độc quyền, đầu tư công nghệ,… Đồng thời, nếu có hiện tượng vi phạm quyền, cần phối hợp ngay với các cơ quan chức năng có liên quan để giải quyết” – bà Đào nói.

Theo ông Ông Đỗ Hữu Quang, nguyên Phó Cục trưởng, Phụ trách khu vực phía Nam, Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương, giá trị tài sản vô hình hay giá trị thương hiệu của doanh nghiệp chiếm đến ¾, cá biệt có trường hợp chiếm đến trên 90% giá trị tài sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lại chưa được các doanh nghiệp trong nước quan tâm. Vẫn có khá nhiều doanh nghiệp chưa thực sự am hiểu những ý nghĩa, nội dung, quy định của việc đăng ký bảo hội quyền sở hữu trí tuệ hoặc hết sức thờ ơ với sở hữu trí tuệ.

Để bảo vệ quyền của mình một cách hiệu quả, theo ông Quang, trước hết doanh nghiệp cần thực hiện quyền tự bảo vệ bằng cách áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm như in tem chống giả, sử dụng bao bì được in theo công nghệ hiện đại; dùng các biện pháp kĩ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt sản phẩm để bảo hộ; đưa các thông tin về quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ lên sản phẩm;… Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ mà mình đang sử dụng hoặc sẽ sử dụng. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện chiến lược về sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp; tổ chức hệ thống thông tin dữ liệu về sở hữu trí tuệ để có được những thông tin về các đối thủ cạnh tranh và tránh khỏi việc xâm phạm quyền của người khác.

Ông Phạm Hồng Quất
Ông Phạm Hồng Quất,Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN

Việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiện nay chủ yếu do các cơ quan nhà nước thực hiện, chưa có sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp và người tiêu dùng. “Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức cho người tiêu dùng trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp” – ông Quang nói và cho rằng, doanh nghiệp cần có thói quen bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình qua con đường tố tụng, không nên né tránh, ngại kiện cáo khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng tình với ý kiến của ông Quang, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN cũng cho rằng, ý thức về sở hữu trí tuệ của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa cao, chưa khai thác hết quyền của mình mà luật cho phép. Theo ông Quất, việc xây dựng thương hiệu tạo ra giá trị mới không chỉ bằng việc đăng ký sở hữu trí tuệ mà quan trọng là phải nuôi dưỡng, duy trì, đặc biệt là phải bảo vệ nó. “Thông qua nhiều biện pháp của chính doanh nghiệp, chính quyền,... tài sản trí tuệ tăng giá trị lên nhiều lần trên thị trường và được nhiều người biết đến. Đây cũng là một nghệ thuật trong kinh doanh đã giúp nhiều doanh nghiệp nước ngoài thành công.”

Ông Trần Giang Khuê – Phụ trách Văn phòng phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ thì cho rằng, doanh nghiệp cần có kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu gắn chắn với chiến lược khai thác tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Muốn làm được điều này, doanh nghiệp cần có bộ phận nhân lực chuyên trách quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ. Đồng thời, đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ ở trong nước và quốc tế, tránh “mất bò mới lo làm chuồng”. “Doanh nghiệp nên tận dụng lợi thế từ các tài sản trí tuệ để tạo sự phát triển đột phá, bền vững và quan tâm đến thương hiệu chung, thương hiệu cộng đồng” – ông Khuê nhấn mạnh.