Xây dựng kho tài liệu tài nguyên học tập để đáp ứng nhu cầu học mọi lúc mọi nơi là bài toán mà ngành giáo dục trông đợi cộng đồng doanh nghiệp đồng hành tháo gỡ.

Tại hội thảo “Chuyển đổi số - Giải pháp trong lĩnh vực giáo dục” do Hội Tin học TPHCM (HCA) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức ngày 19/11 tại TPHCM, ông Nguyễn Hồng Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Chương trình Giáo dục, Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết, hiện nay cán bộ quản lý và giáo viên của Thành phố đều biết sử dụng công nghệ thông tin trong công việc. Các trường học được kết nối internet phục vụ cho công tác quản lý, giảng dạy, học tập. Sở GD&ĐT TPHCM đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý trường học trực tuyến cho 100% các đơn vị, cơ sở giáo dục. Hệ thống được phát triển theo công nghệ điện toán đám mây, cho phép người dùng sử dụng mọi lúc mọi nơi, trên mọi thiết bị (máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng...). Bên cạnh đó, Trung tâm điều hành giáo dục thông minh của Thành phố cũng được thí điểm thực hiện từ đầu năm 2020.

o
Ông Nguyễn Hồng Tuấn chia sẻ về chuyển đổi số ngành GD&ĐT TPHCM. Ảnh: KA

Theo ông Tuấn, để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, một vấn đề quan trọng là xây dựng kho tài liệu tài nguyên học tập, đáp ứng nhu cầu học mọi lúc mọi nơi của người học. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã xây dựng một kho tài nguyên những bài học trực tuyến. Tuy nhiên, có những nội dung trong chương trình có nhiều bài giảng điện tử; và ngược lại, có những nội dung lại hoàn toàn không có, đặc biệt là những nội dung khó.

“Những năm qua, Sở GD&ĐT TPHCM ấp ủ xây dựng được kho tài nguyên để phục vụ việc dạy và học. Đây là điều thực sự khó mà chúng tôi đang gặp phải và tìm cách giải quyết”, ông Tuấn nói và mong muốn cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin cùng đồng hành để giải quyết.

n
Nhiều giải pháp của doanh nghiệp Việt được ứng dụng trong ngành giáo dục Ảnh: KA

Theo ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt, hiện nay, các phần mềm sử dụng trong giáo dục chủ yếu để quản lý (học sinh, điểm số, …), còn phần mềm cốt lõi của ngành là bài giảng số thì gần như chưa có. Ông Thân cho rằng, muốn xây dựng được kho học liệu giáo dục cần phải đầu tư khá nhiều chi phí và thời gian, từ đội ngũ giáo viên chuyên môn, kỹ sư thiết kế, đồ họa, cơ sở dữ liệu bài giảng,…