Ban hành các cơ chế, chính sách thí điểm nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo phát triển là một trong những nội dung của Chương trình Phối hợp hoạt động giai đoạn 2017-2020 giữa Bộ KH&CN và UBND TPHCM, được ký kết chiều 21/4.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh cho rằng, đây là một cơ hội đẩy mạnh sự phối hợp về KH&CN giữa bộ và TPHCM, vốn đã được thực hiện qua nhiều giai đoạn, nhiều nhiệm kỳ. Hiện nay, trong bối cảnh tình hình mới, cần ưu tiên và tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao, KH&CN, đổi mới sáng tạo.
"Với các nội dung ký kết, Bộ KH&CN mong muốn, TPHCM là đơn vị đi đầu thí điểm tháo gỡ thành công những khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách, để từ đó nhân rộng ra cả nước. Bộ cam kết tăng cường phối hợp thực hiện để đạt kết quả theo mục tiêu đặt ra" - Bộ trưởng nói.
Chương trình phối hợp giữa Bộ KH&CN với UBND TPHCM gồm các nội dung: Xây dựng Quy chế phối hợp tham vấn, hướng dẫn, ban hành những cơ chế, chính sách thí điểm nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo phát triển; xây dựng Chương trình Hợp tác phát triển tiềm lực KH&CN giữa Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc và KhuCNCTPHCM, đặc biệt là hợp tác về đào tạo nhân lực CNC, ươm tạo doanh nghiệp CNC, quản lý và chuyển giao công nghệ để nhằm phát huy tối đa điểm mạnh của các bên.
Cũng theo nội dung ký kết, hai bên sẽ phối hợp nghiên cứu đề xuất cơ chế và giải pháp đầu tư, nâng cấp sàn giao dịch công nghệ TPHCM thành sàn giao dịch công nghệ quốc gia; phát triển Trung tâm Thông tin KH&CN của Sở KH&CN TPHCM thành Trung tâm Thông tin KH&CN phía Nam; phối hợp xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại TPHCM; triển khai chương trình nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, thông qua các chương trình đào tạo; phối hợp phát triển chương trình đổi mới thiết bị, công nghệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Chương trình công nghiệp vi mạch của Thành phố cũng được hợp tác để phát triển.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM - chia sẻ, để TPHCM từng bước trở thành trung tâm tài chính, thương mại, KH&CN của cả nước và khu vực Đông Nam á, thành phố rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của Bộ KH&CN, nhất là về cơ chế, chính sách, cơ chế phối hợp và cơ chế liên vùng để kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc.
TPHCM chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,3% dân số Việt Nam nhưng đã đóng góp 20,2% tổng sản phẩm quốc gia, 26,1% giá trị sản xuất công nghiệp và 44% dự án đầu tư nước ngoài. Giai đoạn 2011-2015, lĩnh vực KH&CN của thành phố tăng trưởng 16,9%/năm, cao nhất trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu. Sự phát triển KH&CN đã giúp các sản phẩm, thiết bị, công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp rẻ hơn 20-60% so với giá nhập khẩu.
Để thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, liêm chính, đồng hành cùng doanh nghiệp, thành phố đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ kinh phí cho một số dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ yếu. Thành phố cũng định hình cơ chế hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực KH&CN, quy định ứng dụng KH&CN là yêu cầu bắt buộc đối với mọi công trình, dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước và được thể chế hóa bằng quy định pháp luật.