Tại hội nghị Giám đốc sở KH&CN ngày 15/4 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhắc đến quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu lãnh đạo các sở cùng suy nghĩ xem với ngành KH&CN thì vai trò, công việc kiến tạo thể hiện như thế nào.

KH&CN phải là lực lượng sản xuất trực tiếp

Là người kết luận và giải đáp kiến nghị của các sở, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh ghi nhận, mặc dù còn khó khăn, nhưng với nỗ lực vượt bậc, ngành KH&CN đã có những bước tiến lớn, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội. KH&CN đã bám sát, phục vụ trực tiếp các ngành, lĩnh vực trọng điểm, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngành sản xuất.

“Quan điểm đột phá là KH&CN phải thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Nhân tố quan trọng góp phần tạo kết quả này là từng địa phương, lãnh đạo các sở KH&CN - những người trực tiếp tham mưu cho tỉnh ủy, HĐND, UBND để thực hiện vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn” - Bộ trưởng nói và khẳng định: “Thắng lợi của các sở KH&CN địa phương là thắng lợi của Bộ KH&CN. Ngược lại, những khó khăn, bất cập của địa phương cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo bộ và cá nhân tôi”.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tại hội nghị Giám đốc Sở KH&CN. Ảnh: Loan Lê

Nhấn mạnh quyết tâm xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp” của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng kêu gọi các lãnh đạo sở KH&CN cùng suy nghĩ việc kiến tạo với ngành KH&CN là gì? KH&CN phải có mặt trong phát triển kinh tế - xã hội ở các mảng lớn. Ngay cả trong những vấn đề kinh tế - xã hội đòi hỏi vai trò quản lý của Nhà nước mang tính liên ngành, liên vùng, KH&CN cũng cần thể hiện rõ nét vai trò của mình.

“Như vấn đề Đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn, KH&CN vào cuộc thế nào? Việc đổi mới mô hình tăng trưởng trong từng ngành, KH&CN vào cuộc cùng với người dân, doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị lớn ra sao?” - Bộ trưởng gợi ý.

“Vai trò của KH&CN đang dần lên cao”

Theo Bộ trưởng, năm 2016, hoạt động KH&CN ở các địa phương có sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết 05-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đã tạo môi trường thuận lợi để ngành KH&CN phát triển.

Cho rằng đất nước đang chuyển dịch mạnh mẽ, trong đó không phải mọi chính sách đều lập tức bắt nhịp với sự chuyển dịch ấy vì chính sách thường có độ trễ, song Bộ trưởng bày tỏ niềm vui bởi: “Các cách làm rất khác nhau đều cho thấy sự quan tâm nhiều hơn, sự chỉ đạo quyết liệt hơn từ Quốc hội, Chính phủ, các HĐND, UBND tỉnh. Vai trò của KH&CN đang dần lên cao”.

Trước kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát, xây dựng lộ trình để trình Chính phủ xem xét sửa đổi các luật có liên quan đến KH&CN do bộ chủ trì. Bộ cũng sẽ đóng góp ý kiến đối với các luật khác có nội dung tác động đến hoạt động KH&CN; trình Chính phủ xem xét, sửa đổi các văn bản luật liên quan đến KH&CN còn bất cập.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KH&CN địa phương thời gian tới, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng cần chú trọng một số vấn đề như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, nhất là trong phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng các nhiệm vụ KH&CN liên kết giữa các địa phương để cùng phát triển các sản phẩm có thế mạnh, chủ lực của vùng theo chuỗi giá trị.

“Với những khó khăn chung, phải cùng định hướng, chung tay giải quyết và tìm giải pháp trên từng địa bàn cụ thể. Bộ và sở sẽ đi cùng nhịp với doanh nghiệp địa phương, có trách nhiệm cùng nhau tháo gỡ” - Bộ trưởng nhấn mạnh.