Sinh viên trong các trường đại học cần tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) liên quan đến thành quả nghiên cứu của người khác trong quá trình học tập và nghiên cứu, đồng thời cũng phải quan tâm đến thành quả, quyền SHTT trong lao động sáng tạo của mình.

Đó là hai vấn đề được ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo (Cục SHTT) khuyến cáo với sinh viên tại hội nghị khoa học về SHTT với sinh viên do Cục SHTT phối hợp với ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 19/4.

Ông Bảy cho biết, trường đại học là nơi sử dụng nhiều đối tượng SHTT, cũng là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động sáng tạo, tuyên truyền, giáo dục nhận thức về SHTT. Trường đại học là nơi tạo ra, quản lý và chuyển giao các đối tượng SHTT thông qua các chương trình nghiên cứu, xuất bản các kết quả nghiên cứu, chương trình giáo dục, chuyển giao công nghệ… Do đó, sinh viên cần tôn trọng quyền SHTT trong vấn đề sao chép, trích dẫn, sử dụng tác phẩm trong thời đại công nghệ số, đồng thời bảo vệ quyền SHTT đối với luận văn, luận án, các giải pháp kỹ thuật, chương trình máy tính… là kết quả nghiên cứu của mình.

"Việc trích dẫn lại nguồn trong các tác phẩm nghiên cứu khi sinh viênviết khóa luận hay công trình nghiên cứu khoa học sẽ khiến người đọc đánh giá thành quả lao động cao hơn so với khi viết một bài luận không có nguồn trích dẫn đáng tin cậy" – ông Bảy nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Bảy - Cục SHTT chia sẻ với sinh viên tại Hội nghị
Ông Nguyễn Văn Bảy -chia sẻ với sinh viên tại hội nghị.

Tại ĐH Quốc gia TPHCM, ông Lê Đăng Quang - Trung tâm SHTT và Chuyển giao công nghệ - cho biết, trong những năm qua, trường đào tạo kiến thức về quản trị tài sản trí tuệ cho hơn 100 học viên, tổ chức các buổi hội thảo nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về SHTT trong đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên, doanh nghiệp và sinh viên. Hoạt động về SHTT thời gian qua đã có kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn một số hạn chế.

"Sinh viên hiện vẫn tập trung nhiều vào việc hoàn thiện, phát triển sản phẩm trong học tập và nghiên cứu, chưa chú trọng nhiều đến vấn đề SHTT, thậm chí còn xem nhẹ việc bảo hộ quyền SHTT" - ông Quang nhấn mạnh.

Sinh viên ĐHKHTN TP.HCM tìm đọc tài liệu
Sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM tìm đọc tài liệu tại trường.

Nguyễn Trần Dũng - Sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM - cũng thừa nhận, trong quá trình học tập, nghiên cứu, anh và các bạn hầu như không quan tâm đến SHTT, một phần do kiến thức về lĩnh vực này còn hạn chế. Trình trạng copy tiểu luận, luận văn, không trích dẫn nguồn vẫn diễn ra phổ biến. Các sinh viên có kết quả nghiên cứu, sáng tạo cũng không quan tâm đến việc bảo hộ quyền SHTT.