Các tổ chức KH&CN đáp ứng các tiêu chí cơ bản như độ tự chủ tài chính tối thiểu 50%, tỷ lệ chuyển hóa kết quả R&D thành sở hữu trí tuệ hoặc thương mại sản phẩm là 50%… sẽ được tham gia Chương trình Phát triển tổ chức KH&CN theo mô hình tiên tiến giai đoạn 2016-2020.
Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TPHCM đưa ra tại buổi công bố Chương trình Phát triển tổ chức KH&CN theo mô hình tiên tiến giai đoạn 2016-2020 dđược tổ chức chiều 4/4.
Với mục đích nâng cao năng lực các tổ chức KH&CN theo hướng tiên tiến và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố, chương trình xác định đối tượng là các tổ chức KH&CN trên địa bàn TPHCM có lĩnh vực hoạt động chính phục vụ các ngành công nghiệp trọng điểm (cơ khí chế tạo; điện tử - công nghệ thông tin; hóa chất, hóa dược - cao su nhựa; chế biến tinh lương thực, thực phẩm; công nghệ sinh học) và chương trình đột phá của thành phố.
Theo bà Hằng, khi tham gia vào chương trình, các tổ chức KH&CN sẽ được hỗ trợ kinh phí hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, thương mại hóa sản phẩm; đầu tư cơ sở vật chất; đào tạo và phát triển nhân lực; tham gia hội thảo khoa học trong nước; chuyển giao kết quả KH&CN; triển khai áp dụng các hệ thống, công cụ, mô hình nâng cao năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo…
Ngoài các tiêu chí đã kể ở trên, theo bà Hằng, các tổ chức KH&CN phải có tỷ lệ thu ngoài ngân sách/tổng thu là 30% hoặc tỷ lệ thu từ dự án, dịch vụ/tổng thu ngoài ngân sách là 70%. Ngoài ra, tổ chức đó phải có tỷ lệ nhân lực nghiên cứu/hành chính là 3:1; 55% cán bộ nghiên cứu có trình độ thạc sĩ, 20% tiến sĩ; chuyên gia đầu ngành chiếm 10%; tỷ lệ số nhà khoa học Việt Nam tham gia các hội nghị, dự án quốc tế, làm việc ở các tổ chức quốc tế là 5%…
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TPHCM - cho biết, các tổ chức KH&CN khi xây dựng kế hoạch phát triển phải đạt các tiêu chí cơ bản của một tổ chức KH&CN theo Thông tư 38/2014/TT-BKHN ngày 16/12/2014 của Bộ KH&CN. Trong quá trình thực hiện, sở sẽ thuê các đơn vị tư vấn đánh giá thực trạng các tổ chức KH&CN. Việc hỗ trợ sẽ được điều chỉnh, rút kinh nghiệm để vừa sát với tình hình thực tế của các tổ chức vừa đi theo mục tiêu thành phố đã đặt ra.
Ngay sau khi chương trình được công bố, Sở KH&CN TPHCM bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký. Thời gian nhận đăng ký sẽ liên tục trong giai đoạn 2017 – 2020.
Thông tin chi tiết được đăng tải tại website: www.dost.hochiminhcity.gov.vn, mục Nghiên cứu khoa học.
Kiều Anh