Theo GS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng ĐH An Giang, Chương trình Tây Nam bộ cần thay đổi mục tiêu để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại mới; các đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN) được xây dựng phải đáp ứng nhu cầu thực tế của vùng.

Ý kiến này được nêu tại Hội thảo “Phương thức đặt hàng, tuyển chọn, triển khai và huy động các nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng kết quả các nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình Quốc gia về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng TNB (gọi tắt là Chương trình Tây Nam bộ)” do Văn phòng Chương trình Tây Nam bộ tổ chức ngày 18/4 tại TPHCM.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng, việc xác định những vấn đề khoa học, kỹ thuật mà các địa phương đang gặp khó khăn để triển khai theo đúng tư duy mới của Đảng và Nhà nước rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Những vấn đề đang đặt ra cho Vùng Tây Nam bộ như nuôi tôm, trồng cây ăn trái như thế nào để đạt chất lượng, sản lượng cao đều rất cấp thiết, cần được đầu tư nghiên cứu. Từ đó, người nông dân, doanh nghiệp mới có thể sản xuất ra những sản phẩm tốt có thương hiệu.

GS. Võ Tòng Xuân phát biểu góp ý tại Hội thảo
GS Võ Tòng Xuân phát biểu tại hội thảo.

Ông Năm Hà - Công ty nông nghiệp Bùi Văn Ngọ - thì cho rằng, Chương trìnhTây Nam bộnên chọn những đề tài mà doanh nghiệp đang triển khai để có tính kế thừa, rút ngắn thời gian, giảm chi phí nghiên cứu. Doanh nghiệp và nhà nước có thể góp vốn 50 - 50 để cùng thực hiện những đề tài này và nên chọn các doanh nghiệp trong vùng để thực hiện.

Ông Phạm Ngọc Minh – Giám đốc Chương trình Tây Nam bộ - cho biết, mục tiêu của chương trình là cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chiến lược, chính sách; đẩy mạnh ứng dụng KH&CN; triển khai các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển bền vững, phù hợp với đặc thù và thế mạnh của vùng. Chương trình do Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia TPHCM đồng chủ trì; thực hiện trong 5 năm (2014-2019). Đầu năm 2017, chương trình đã thông báo về đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN (đợt 1) đến các địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp có liên quan, các nhà khoa học, với các định hướng tập trung ưu tiên thuộc 2 mảng khoa học xã hội và nhân văn, phát triển bền vững, và mảng khoa học tự nhiên, khoa học, công nghệ, môi trường.

 Chương trình TNB và BUSACO ký kết thực hiện nhiệm vụ KHCN thuộc Chương trình TNB
Chương trình Tây Nam bộ và BUSADCO ký kết thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

Trong đợt 1/2017 về tuyển chọn nhiệm vụ KH&CN cho Chương trình Tây Nam bộ, Công ty Thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa – Vũng Tàu (BUSACO) là doanh nghiệp KHCN đầu tiên tham gia tuyển chọn và thực hiện nhiệm vụ “Ứng dụng giải pháp bê tông cốt phi kim nhằm tăng cường tính bền vững cho các công trình kè chắn sóng ven biển ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long dưới tác động của biến đổi khí hậu”. Đề tài do ông Hoàng Đức Thảo - Tổng Giám đốc BUSADCO - làm chủ nhiệm.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục thay đổi phương thức về quản lý, tuyển chọn đề tài, phải xuất phát từ thực tiễn. Nên có cơ chế mua hoặc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. "Việc tuyển chọn các đề tài cũng như người triển khai cần phải công khai, minh bạch và có địa chỉ áp dụng cụ thể nhằm tránh tình trạng nghiên cứu xong rồi để đó" – ông Nguyễn Hoàng Dũng, ĐH Kinh tế TPHCM, đề xuất.