Tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/8, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc bỏ nội dung “nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên giám sát.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên giám sát. Ảnh: baodautu.vn

Theo Bộ trưởng, dường như vẫn đang còn những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của sách giáo khoa trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới. Nhà nước nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh. Còn sách giáo khoa là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.

“Chương trình là duy nhất, thống nhất; học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa - tức một bộ học liệu của nhà nước không?” Bộ trưởng đặt câu hỏi. “Cảm ơn Đoàn giám sát đã rất quan tâm tới một vấn đề nóng của giáo dục để hỗ trợ, nhưng cách quan tâm này liệu đã phù hợp với sách giáo khoa với tư cách tồn tại mới của chúng hay chưa?”

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD&ĐT đang nỗ lực hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về sách giáo khoa, thay đổi cách mà giáo viên sử dụng sách giáo khoa và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học.

Ông cũng kiến nghị nên có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục. “Điều cần có nhất lúc này là một Nghị quyết giao cho Bộ GD&ĐT chuẩn bị và trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án tăng cường các điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục”, trong đó quan trọng nhất làm sao có đủ giáo viên, và thu nhập bảo đảm cho giáo viên sống được bằng nghề.