Thay vì ngồi học bài với lý thuyết khô khan, kiểm tra, thi xong rồi quên hết, học sinh Trường THPT Phú Nhuận lại rất hào hứng với tiết học Công nghệ và Sinh học bởi các em được trải nghiệm thực tế qua mỗi bài giảng nhờ sự sáng tạo của thầy giáo Lê Thiên Phúc.
Với sáng kiến "Đổi mới phương pháp dạy để tiết học trở nên thú vị, học sinh không nhàm chán”, thầy Phúc đã đưa phương pháp STEM vào giờ học Công nghệ, giúp học sinh tìm hiểu cách phân biệt thực phẩm sạch. Theo đó, học sinh được trải nghiệm thực tế từ việc nhận biết rau an toàn, rau nhiễm hóa chất,… đến tìm hiểu những thông tin dinh dưỡng có trong từng loại rau củ quả. Bên cạnh đó, các em cũng được trực tiếp chế biến, trình bày những món ăn đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng. Toàn bộ quá trình này được học sinh ghi lại và dựng thành các clip và tự giới thiệu về sản phẩm của mình.
Đối với môn Sinh học, thầy Phúc cũng đưa vào những chuyên đề thiết thực cho học sinh như quan hệ tình dục tuổi vị thành niên, tình yêu tuổi học đường..., giúp học sinh có định hướng về các vấn đề giáo dục giới tính, các vấn đề tình cảm trong cuộc sống.
Theo phương pháp học mới, các em tự làm nội dung, chia sẻ kiến thức với nhau, giáo viên chỉ định hướng và điều khiển các hoạt động trong giờ học. Nhờ đó, ngoài các kiến thức từ bài học, các em còn học được những kỹ năng khác như làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, tìm kiếm thông tin,….
Sáng kiến đổi mới phương pháp giảng dạy của thầy Phúc đã đoạt giải Nhất (trị giá 5 triệu đồng) cuộc thi Sáng kiến cộng đồng năm 2018.
Ngoài ra, cuộc thi đã trao 3 giải Nhì (trị giá 3 triệu) cho các sáng kiến: Biến những số liệu khô khan trong sách giáo khoa Lịch sử thành những hình ảnh trực quan, dễ nhớ của Đoàn Nguyễn Phương Danh, học sinh chuyên Anh trường THPT Nguyễn Thượng Hiền; Máy bóc vỏ trứng tự động, có công suất 3.000 vỏ trứng mỗi giờ của Trương Công Hoàng, sinh viên trường Đại học Công nghiệp TP.HCM; Áo chống nắng biến hình của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM.
Ba sáng kiến được trao giải Ba (trị giá 2 triệu đồng) gồm: Máy cho tôm ăn được cài sẵn chế độ qua smartphone của nhóm sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM; Xe chữa cháy mini cứu hỏa trong hẻm nhỏ của ông Lý Nhơn Thành; Robot cắt tỉa cây tự động của nhóm sinh viên ĐH Nông Lâm TP.HCM.
Ngoài ra, BTC còn trao 7 giải Khuyến khích (trị giá 1 triệu đồng) cho các sáng kiến: Ứng dụng tìm nhà trọ, cây xăng, ATM trên điện thoại di động; Phần mềm giúp người học quan sát được các bộ phận cơ thể; Chiếc móc khóa khẩn cấp ghi số điện thoại bí thư, chủ tịch, trưởng công an phường; Làm giấy từ đài sen; Xe đạp quẹt thẻ từ, tự bật đèn; Ô tô điện năng lượng mặt trời.
Cuộc thi Sáng kiến cộng đồng do Tạp chí Khám phá phối hợp với Phòng Quản lý Khoa học Cơ sở (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) tổ chức thường niên từ năm 2016, nhằm tôn vinh những sáng kiến góp phần tạo dựng môi trường sống, sinh hoạt, học tập của cộng đồng dân cư TPHCM ngày một đổi mới, tốt đẹp hơn.
Năm nay, cuộc thi nhận được 44 bài tham dự và Ban tổ chức chọn được 14 sáng kiến nổi bật về tính mới, tính sáng tạo, quy mô áp dụng rộng rãi và hiệu quả kinh tế - xã hội để trao giải ngày 26/12.