Với tiêu chí ghi nhận và tôn vinh các thành tích KH&CN có tầm ảnh hưởng trong xã hội, Câu lạc bộ Nhà báo khoa học (Hội nhà báo Việt Nam) đã lựa chọn 10 sự kiện khoa học nổi bật năm 2018 ở 6 hạng mục: cơ chế chính sách, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học ứng dụng, hội nhập quốc tế và tôn vinh nhà khoa học.
Trong năm thứ 13 tổ chức, ban chủ nhiệm CLB Nhà báo khoa học và các nhà báo theo dõi hoạt động khoa học đã cùng bỏ phiếu để lựa chọn các sự kiện mà họ cho là có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Dưới góc nhìn và đánh giá của những người bầu chọn, các sự kiện khoa học này đã phản ánh được những thành tích bước đầu của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, đồng thời góp phần đáng kể vào việc làm ra những sản phẩm có ý nghĩa với đời sống xã hội.
Các thành viên đại diện cho nhóm tham gia thực hiện các dự án nghiên cứu được lựa chọn vào các sự kiện của năm 2018 được trao giấy chứng nhận sự kiện. Ảnh: Hoàng Nam.
Dấu ấn hội nhập quốc tế thể hiện rõ nét trong hầu hết 10 sự kiện này.
Ở hạng mục vinh danh nhà khoa học, giáo sư Đàm Thanh Sơn – một trong ba nhà khoa học quốc tế nhận Giải thưởng Dirac 2018, được đánh giá là niềm tự hào của Việt Nam. Nhiều đồng nghiệp của anh ở trường đại học Chicago cho rằng “giải thưởng đã ghi nhận sự dẫn đầu về trí tuệ và tác động rộng lớn của những nghiên cứu cơ bản và xuyên ngành của anh”, “Trước Sơn, đã có nhiều công trình về tính đối ngẫu gauge/hấp dẫn nhưng chỉ là thuần túy lý thuyết. Bằng việc chứng tỏ có thể tính toán các đặc tính và nhận giới hạn nhất định trong vật lý với các hệ thống trong thế giới thực, Sơn đã giúp chuyển vấn đề mang tính lý thuyết này thành một công cụ cho thế giới thực”. Giáo sư Cao Chi – người từng trao đổi với giáo sư Đàm Thanh Sơn về các công trình nghiên cứu của anh, đã nhận định: “Những công trình của Sơn có một ý nghĩa rất to lớn cho vật lý cơ bản. Huy chương Dirac ICTP (cửa ngỏ đến Nobel) đã nói lên điều đó. Giới khoa học Việt Nam vinh dự vì những thành tựu của Đàm Thanh Sơn”.
Ở hạng mục khoa học tự nhiên, công bố “Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình” của TS. Trần Đình Phong (trường đại học KH&CN Hà Nội) xuất bản trên Nature Materials - một tạp chí hàng đầu thế giới về khoa học vật liệu và kỹ thuật với chỉ số ảnh hưởng (impact factor) là 39.737, đã xác định được cơ chế quyết định hình thành lá nhân tạo (artificial leaf) và đưa anh trở thành một trong những chuyên gia nghiên cứu về lá nhân tạo đáng chú ý của thế giới. Đây cũng là đề tài đem lại cho anh Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018.
Trong khi đó, dù nghiên cứu ở trong nước với những điều kiện còn thiếu thốn, các nhà khoa học trẻ Việt Nam cũng có nhiều cố gắng để có thể làm ra những sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Là một trong những người như vậy, TS. Nguyễn Thị Hiệp (trường đại học Quốc tế, ĐHQGTPHCM) đã chọn hướng phát triển kỹ thuật mô và y học tái tạo (TERM) và được L’Oréal-UNESCO trao giải Nhà khoa học trẻ tài năng năm 2018.
Ở hạng mục lĩnh vực hội nhập quốc tế, việc Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, thu hút nhiều nhà kinh tế và nhiều học giả quốc tế đã cho thấy sự nắm bắt thời cơ và thúc đẩy tiến trình chuẩn bị cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của chính phủ, các công việc chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… đã được bắt đầu tiến hành, trong đó Bộ KH&CN đã thành lập Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia KC 4.0/19-25 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”.
Các hạng mục khác thể hiện rõ nét một Việt Nam năng động, sáng tạo và hướng đến ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào đời sống xã hội. Đó là Hệ tri thức Việt số hóa (lĩnh vực cơ chế chính sách) – nơi quy tụ những thông tin, kiến thức về mọi lĩnh vực nghiên cứu, mọi ngành nghề để có thể hỗ trợ, tư vấn cho những ai có nhu cầu tìm hiểu, đồng thời gợi mở rất nhiều cơ hội cho các starup công nghệ Việt Nam có thể làm ra những ứng dụng mới phục vụ mọi người; Hệ thống tính cước theo thời gian thực của Viettel với phần mềm vOCS 3.0 - phần mềm là khả năng thiết kế cho mỗi khách hàng một gói cước riêng biệt, được sử dụng tại 11 quốc gia trên thế giới; Máy làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ của ThS Lê Văn Luân và cộng sự được làm từ nguyên liệu có khả năng chịu ăn mòn của nước biển và giữ đá tuyết trong nhiệt độ từ -60C đến -20C, có tốc độ làm lạnh nhanh hơn. Bộ NN&PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản; Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị điện công nghệ cao Á Châu bắt đầu được triển khai tại Khu CNC Hòa Lạc. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ sản xuất các dòng sản phẩm công nghệ cao cho thị trường trong nước và xuất khẩu: hệ thống SCADA, hệ thống bảo vệ điều khiển trạm biến áp, modul full type-test Prisma iPM, modul trung thế hợp bộ 22kV và 38.5kV (lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng).
Sự kiện năm 2018 cũng phản ánh tinh thần làm việc nghiêm túc của các nhà nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn thông qua việc phát hiện di tích cư trú của người tiền sử tại hang động núi lửa ở Krông Nô, Đắk Nông - kết quả của đề tài “Điều tra tìm kiếm di chỉ khảo cổ học trong Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, Đắk Nông” do TS La Thế Phúc thực hiện từ năm 2017. Với dấu tích văn hóa, mộ táng và các hoạt động của các bộ lạc thời tiền sử cách đây khoảng 6 đến 7 nghìn năm, phát hiện khảo cổ học là một chứng cứ khoa học có giá trị để bổ sung đầy đủ, chi tiết hơn vào hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho khu vực này của Đăk Nông.
Danh sách 10 sự kiện theo 6 lĩnh vực: I. Lĩnh vực cơ chế chính sách: 1. Hệ tri thức Việt số hóa chính thức được vận hành II. Lĩnh vực khoa học tự nhiên: 2. Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình III. Lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng: 3. Hệ thống tính cước thời gian thực của Viettel đoạt giải vàng kinh doanh quốc tế 4. Máy làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ 5. Vingroup ra mắt Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ ứng dụng 6. Nhà máy sản xuất thiết bị điện công nghệ cao Á Châu IV. Lĩnh vực hội nhập quốc tế 7. Các hoạt động quốc tế về cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra tại Việt Nam V. Tôn vinh nhà khoa học 8. Giáo sư Đàm Thanh Sơn nhận Giải thưởng Dirac 2018 9. Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp được vinh danh là nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới VI. Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. 10. Phát hiện di tích cư trú của người tiền sử tại hang động núi lửa ở Krông Nô, Đắk Nông |