Đó là thiết bị chuyển đổi xe lăn thành xe lăn điện của nhóm sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) và thiết bị học chữ cái, học toán cho người khiếm thị của học sinh Trường THPT Trần Văn Quan (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Cụ thể, thiết bị hỗ trợ xe lăn AutoMov (Bảng sinh viên) gồm động cơ, pin, xích, đĩa, bộ điều khiển. Khi lắp đặt thiết bị này vào chiếc xe lăn thông thường sẽ tạo ra một chiếc xe lăn điện. Người dùng điều khiển xe thông qua bộ điều khiển Joystick.
Thiết bị học chữ cái (tiếng Việt và tiếng Anh), học toán hình học trực quan cho người khiếm thị (Bảng phổ thông) sử dụng phương pháp nhận dạng ký hiệu chữ và âm thanh. Ngoài tính năng học tập, thiết bị còn tính năng giải trí và đọc thời gian - tất cả đều được phát âm thanh ra bên ngoài.
Ở Bảng Phổ thông, Ban tổ chức còn trao giải Nhì cho dự án “Zulivi.vn – Trang thương mại điện tử cung cấp dược liệu thảo mộc chất lượng cao” của các học sinh Trường THPT Chu Văn An, Lâm Đồng.
Giải Ba thuộc về 2 dự án "Green Circles – Sản xuất các vật dụng bằng giấy từ bã sả” (Trường THPT Trần Văn Giàu, TPHCM) và dự án “Máy thủy điện mini sử dụng tuabin Ác-si-mét chuyển hóa động năng của dòng nước chảy chậm ở mương, suối nhỏ thành điện năng thắp sáng đèn đường phục vụ cho giao thông và nông nghiệp” (Trường THPT Chuyên Thăng Long, Đà Lạt).
3 giải Khuyến khích thuộc về các dự án "YouLight - Ứng dụng hỗ trợ đời sống người khiếm thị" (Trường THPT Long Thành, Đồng Nai); “Oversee – tổ chức thanh niên giúp các bạn học sinh và sinh viên chuẩn bị các hành trang về cả kiến thức và kĩ năng trước khi bước vào môi trường mới” (Trường THPT Chuyên Thái Bình, Thái Bình); và Floteamina - Sản phẩm trà hoa, trà sữa hoa mix vị (Trường THPT TP Sa Đéc, Đồng Tháp).
Ở Bảng Sinh viên, giải Nhì thuộc về dự án “Peca Lica - sản xuất sơn với chức năng sửa chữa các vật dụng bằng da thật, da giả và vải” (Trường Đại học Luật TPHCM và Đại học Văn Lang); hai giải Ba thuộc về các dự án “World Giving Love – nền tảng giúp các tổ chức xã hội đăng tải, cập nhật thông tin về các dự án từ thiện để kêu gọi quyên góp” (Đại học Quốc gia TPHCM), và “OriAir - hệ thống lọc không khí bền vững bằng công nghệ PCO và trồng cây tự tưới” (Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương). Giải Khuyến khích thuộc về 3 dự án “Sản phẩm từ trái Thanh Long Đức Thuận” (Đại học Quốc gia TPHCM); “ELLA - ứng dụng hướng dẫn trang điểm” (Đại học Quốc gia TPHCM); Dép sưởi ấm chân Warmfoot (Đại học Ngân hàng và Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM).
Các giải Nhất ở Bảng Sinh viên trị giá 50 triệu đồng, và ở Bảng Học sinh trị giá 20 triệu đồng cùng gói ươm tạo 1 năm tại Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM (ITP) trị giá 100 triệu đồng, Gói tham quan và học tập tại Singapore (Hàn Quốc hoặc tương đương), và Gói hỗ trợ Web service từ Trung tâm Dữ liệu Đại học Quốc gia TPHCM trị giá 2.000 USD.
Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp - CiC 2021 được Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức thường niên nhằm lan tỏa và truyền cảm hứng về tư duy khởi nghiệp; nâng cao kỹ năng và kiến thức; tạo môi trường trải nghiệm thực tế cho học sinh, sinh viên.
CiC 2021 thu hút 320 dự án của khoảng 1.000 thí sinh từ 174 trường đại học, cao đẳng, trung học trên toàn quốc. Các thí sinh đã trải qua 4 vòng thi trong 7 tháng; tham gia các chương trình đào tạo, huấn luyện chuyên sâu với các cố vấn. Top 10 ý tưởng xuất sắc nhất của mỗi bảng thi đã tranh tài tại buổi chung kết trực tuyến vào ngày 31/10.