Tại hội thảo “Hoạt động kinh tế doanh nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo sau dịch bệnh TPHCM và khu vực phía Nam”, nhiều ý kiến đóng góp đã làm rõ những vấn đề mà doanh nghiệp có thể chuyển đổi để ứng phó với đại dịch COVID-19.
Hội thảo do Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN tổ chức trực tiếp và trực tuyến hôm nay, 29/10.
Tại đây, ông Ngô Đắc Thuần, Chủ tịch Hội đồng quản trị IPGroup, cho biết, các đợt giãn cách liên tiếp do dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam. Nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc dừng hoạt động. Các doanh nghiệp vẫn hoạt động thì đối mặt với các chi phí đầu vào, vận chuyển tăng, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương rất khó khăn, nhất là các tuyến ra cảng biển, do phương án kiểm soát phòng dịch không thống nhất trên cả nước.
"Từ thực tế hoạt động tư vấn của mình, IPGroup nhận thấy các doanh nghiệp trong và sau đại dịch hầu hết đều gặp khó khăn, đặc biệt là khó khăn về chuỗi sản xuất cung ứng bị đứt gãy", ông Thuần chia sẻ.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM, cho biết thêm, nhu cầu thực phẩm của người dân TPHCM vào khoảng hơn 8 ngàn tấn mỗi ngày, khả năng đáp ứng của thành phố 22%, còn lại được cung cấp từ các tỉnh. 70% lượng hàng hóa nông sản tiêu thụ tại TPHCM qua các chợ truyền thống đầu mối của Thành phố. Khi đại dịch xảy ra, các chợ này phải đóng cửa, tạo gánh nặng cho hệ thống siêu thị, người dân gặp khó khăn khi mua hàng hóa.
Trước thực trạng này, ông Hiệp cho rằng, “Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như hộ nông dân cần tích cực ứng dụng các tiến bộ của KH&CN để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, thay đổi mô hình kinh doanh như tăng cường sử dụng sàn thương mại điện tử, mua bán trực tuyến,… để chủ động trong quá trình sản xuất kinh doan, hạn chế sảnh hưởng tiêu cực của đại dịch”.
Đồng thời, ông Hiệp cho biết thêm, Sở NN&PTNT TPHCM đang xây dựng phần mềm điều phối thông tin nhu cầu nông sản liên tục, nhằm phối hợp với các tỉnh, thành cung cấp thực phẩm phía Nam sản xuất theo nhu cầu của Thành phố, tạo liên kết chặt chẽ trong nông nghiệp. TPHCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, có 75 - 80% nông dân Thành phố ứng dụng công nghệ cao để sản xuất, kinh doanh.
ANTESCO chủ động sản xuất trước dịch bệnh COVID-19. Ảnh:ANTESCO
Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc DR SME, đồng tình rằng, đại dịch COVID-19 là cơ hội để các doanh nghiệp thay đổi. Ông gợi ý một số vấn đề mà doanh nghiệp có thể chuyển đổi như tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện, phục vụ tận nhà, phục vụ phân tán (thay vì tập trung đông tại một địa điểm, có thể chia nhỏ thành nhiều địa điểm khác nhau), số hóa quy trình làm việc,… Ngoài ra, các doanh nghiệp nên sử dụng nhân lực làm việc từ xa để hạn chế tập trung, đồng thời giảm chi phí thuê mặt bằng, tiền công lao động.