Các đợt bùng phát mới nhất - bao gồm nhiều trường hợp không có liên quan rõ ràng đến Trung Quốc, cũng như các trường hợp nhiễm virus mà không bị phát hiện trong nhiều tuần - cho thấy việc ngăn chặn virus gây bệnh COVID-19 dường như đã bị chậm trễ.

Các nhà khoa học đang tỏ ra lo ngại về sự gia tăng nhanh chóng số lượng và quy mô của các vụ dịch bên ngoài Trung Quốc. Một số còn cho rằng đây là đại dịch.

Tổng số ca nhiễm virus corona của Hàn Quốc tính đến sáng nay, 26/2, đã nhảy vọt lên 1.146, trong đó có 11 ca tử vong; số ca nhiễm mới là 169. Phần lớn các ca nhiễm phát sinh ở thành phố Daegu. Đến thời điểm này, Hàn Quốc là ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. .

Trong vài ngày qua, các quan chức ở Ý cũng phải vật lộn để xử lý một cụm hơn 300 bệnh nhân ở miền bắc, và ổ dịch đã gây ra hơn 10 ca tử vong.

Đáng lo ngại nhất là một vụ dịch ở Iran lấy đi mạng sống của ít nhất 15 người và đã lây nhiễm cho một số lượng người không xác định, những người này dường như đã lan truyền virus sang các quốc gia khác ở Trung Đông.

Công nhân phun thuốc khử trùng, một phần của các biện pháp phòng ngừa virus corona, tại Quốc hội ở Seoul, vào ngày 25 tháng 2. Ảnh: AFP

Các nhà khoa học cho rằng cần các chiến lược mới để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, chẳng hạn các biện pháp nhằm hạn chế các tương tác xã hội, như đóng cửa trường học. Nhưng để có thể triển khai các biện pháp như vậy một cách hiệu quả nhất, vẫn còn những câu hỏi cần trả lời, ví dụ như trẻ em có lan truyền virus nhanh như người lớn hay không hay liệu trẻ em có dễ bị nhiễm bệnh hay không.

Tiềm năng đại dịch?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vào ngày 24/2 rằng các vụ bùng phát virus corona trên toàn cầu chưa tạo thành một đại dịch - được định nghĩa là sự lây lan không rõ nguyên nhân của một bệnh nhiễm trùng ở nhiều khu vực. "Virus này có tiềm năng gây đại dịch không? Hoàn toàn có. Nhưng đã đến mức đó chưa? Theo đánh giá của chúng tôi thì chưa," Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói. WHO đang cử các nhóm chuyên gia đến Ý và Iran để giúp kiểm soát dịch bệnh.

Nhưng các nhà khoa học khác nói rằng các ca nhiễm gia tăng ở một số nước đánh dấu điểm bùng phát trong vụ dịch đã kéo dài 2 tháng này.

Những ca tử vong ở Iran đặc biệt đáng lo ngại, các nhà nghiên cứu nói. "Nếu các trường hợp đầu tiên được xác định cũng là các trường hợp tử vong, có nghĩa là virus đã lây nhiễm trong một vài tuần (mà không bị phát hiện)," theo Cowling, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong. Ngoài ra, trong tuần qua, bắt đầu phát hiện những trường hợp ở Lebanon, Iraq được cho là lây nhiễm từ Iran.

"Tôi nghĩ với Iran, chúng ta chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng, những trường hợp bệnh nặng nhất được báo cáo," Devi Sridhar, một nhà nghiên cứu y tế công cộng tại Đại học Edinburgh, Vương quốc Anh, nói thêm.

WHO không coi đây là một 'đại dịch' một phần dựa trên dữ liệu cho thấy các ca nhiễm virus ở Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm từ ngày 23/1 đến ngày 2/2 và các biện pháp kiểm soát, như phong tỏa các thành phố ổ dịch như Vũ Hán, đã có hiệu quả ngăn chặn các trường hợp mới.

Cư dân của Casalpusterlengo, một thị trấn ở Ý đang bị phong tỏa, xếp hàng để vào một siêu thị. Ảnh: Sciencemag.

Nhưng Cowling nói rằng các biện pháp như vậy là không khả thi trên quy mô rộng hơn. Việc phong tỏa chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện trong nhiều tuần hoặc lâu hơn, và luôn có nguy cơ gây ra những đợt bùng phát mới khi mở cửa thành phố và những người nhiễm bệnh rời đi. "Chúng ta phải suy nghĩ kỹ hơn về những biện pháp giảm lây nhiễm bền vững mà không đóng cửa thành phố hoàn toàn và ngăn mọi người di chuyển," ông nói thêm.

Vai trò của trẻ em

Những nỗ lực ngăn chặn lây nhiễm liên quan đến giảm tương tác xã hội, làm giảm cơ hội mọi người có thể gặp nhau.

Ví dụ, các nghiên cứu về đại dịch cúm năm 1918 đã phát hiện ra rằng các thành phố đóng cửa những nơi công cộng như trường học, nhà thờ và nhà hát sớm trong dịch sẽ có tỷ lệ tử vong thấp hơn và ít trường hợp nhiễm hơn so với các thành phố cũng thực hiện các biện pháp như vậy nhưng muộn hơn.

Nhưng các nhà dịch tễ học cho rằng một trong những biện pháp phổ biến nhất - đóng cửa trường học - sẽ chỉ đáng áp dụng nếu các nhà khoa học biết rằng trẻ em đóng vai trò quan trọng trong việc truyền virus corona. Một số báo cáo nói rằng trẻ em ít khi phát triển bệnh nặng khi nhiễm virus này, nhưng các nhà nghiên cứu không biết liệu trẻ em có dễ bị nhiễm virus như người lớn hay không hoặc chúng có dễ dàng lây truyền virus sang người khác hay không. Trẻ em có vai trò lớn trong việc lan truyền cả cúm mùa và đại dịch cúm, theo Marc Lipsitch, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Harvard T. H. Chan, Boston, Massachusetts, "nhưng với virus này đây là một câu hỏi mở."

Cách tốt nhất để xác định vai trò của trẻ trong việc truyền COVID-19, Lipsitch nói, sẽ là phân tích các trường hợp có liên kết chặt chẽ, ví dụ như trong một hộ gia đình, để xác định cách thức lây lan của virus và liệu trẻ em có bị nhiễm và truyền virus cho người khác hay không.


Một bệnh viện ở Torino, Ý, nơi hàng trăm trường hợp COVID-19 đã được xác nhận. Ảnh: Nature.

Nếu coronavirus trở nên phổ biến và lưu hành rộng rãi trong cộng đồng, các nhà nghiên cứu cũng muốn kiểm tra cách mọi người phát triển khả năng miễn dịch với virus sau khi đã một lần bị nhiễm bệnh. Theo Lipsitch, các nhà nghiên cứu đang cho rằng những người bị nhiễm có khả năng miễn dịch trong một thời gian nhất định - nhưng không rõ là bao lâu.

Nguồn:

https://www.nature.com/articles/d41586-020-00551-1
https://www.sciencemag.org/news/2020/02/coronavirus-seems-unstoppable-what-should-world-do-now
https://www.straitstimes.com/asia/east-asia/south-korea-reports-169-new-coronavirus-cases-total-tops-1100