Các vệ tinh khi hết tuổi thọ và bốc cháy có thể tạo ra oxit nhôm, một hợp chất có khả năng gây ra các phản ứng hóa học có hại cho khí quyển trong hàng thập kỷ.

Hình ảnh mô phỏng các vệ tinh Starlink của SpaceX. Tác giả: Mark Handley/University College London
Hình ảnh mô phỏng các vệ tinh Starlink của SpaceX. Tác giả: Mark Handley/University College London

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters vào tháng 6/2024, các nhà khoa học tại Đại học Nam California (Mỹ) cảnh báo các vệ tinh Starlink của công ty SpaceX khi hết thời hạn sử dụng có thể lao xuống bầu khí quyển Trái đất và bốc cháy, tạo ra hợp chất làm suy giảm tầng ozone.

Công ty SpaceX do tỷ phú Elon Musk sáng lập đã phóng hơn 6.000 vệ tinh Starlink và đang tiếp tục mở rộng mạng lưới Internet vệ tinh. Họ dự kiến sẽ triển khai tổng cộng khoảng 42.000 vệ tinh Starlink trong thời gian tới.

Phiên bản vệ tinh V2 Starlink hiện tại có khối lượng khoảng 800kg, nặng hơn gần ba lần so với các vệ tinh thế hệ cũ (nặng 260kg). Tất cả chúng đều làm từ một lượng lớn nhôm và được thiết kế với tuổi thọ ngắn, khoảng 5 năm. Khi chúng bốc cháy sẽ tạo ra oxit nhôm, một hợp chất có khả năng gây ra các phản ứng hóa học có hại cho khí quyển trong hàng thập kỷ.

Nhóm nghiên cứu ước tính một vệ tinh loại nhỏ khi cháy tạo ra khoảng 30kg hạt nano oxit nhôm. Chỉ tính riêng trong năm 2022, khoảng 17 tấn hạt nano oxit nhôm đã phát thải vào bầu khí quyển do các vệ tinh rơi xuống.

Nguồn: BusinessInsider, Independent