Các nhà khoa học tại Đại học Bang Oregon (Mỹ) phát hiện tốc độ tăng carbon dioxide (CO2) trong khí quyển ngày nay nhanh hơn 10 lần so với bất kỳ thời điểm nào khác trong 50.000 năm qua, thông qua việc phân tích hóa học mẫu băng Nam Cực cổ đại ở độ sâu 3,2km.
Trong thời kỳ gia tăng tự nhiên lớn nhất, nồng độ CO2 đã tăng khoảng 14 phần triệu (ppm) trong 55 năm. Những lần tăng đột ngột này xảy ra khoảng 7.000 năm một lần. Với tốc độ hiện nay, mức độ gia tăng đó chỉ mất từ 5 đến 6 năm.
Phát hiện này, vừa được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) vào ngày 13/5, cung cấp những hiểu biết mới về các giai đoạn biến đổi khí hậu đột ngột trong quá khứ của Trái đất và mang lại cái nhìn sâu sắc hơn về những tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu ngày nay.
Trước đó vào tháng 4/2024, Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (PIK) cảnh báo biến đổi khí hậu do nồng độ CO2 trong khí quyển ở mức cao sẽ làm GDP toàn cầu vào năm 2050 giảm 38 nghìn tỷ USD, gây ra thiệt hại khoảng 1/5 GDP toàn cầu.
Bài đăng số 1292 (số 20/2024) KH&PT
Quốc Hùng (Theo Science Daily)