Các nhà địa chất tại Đại học Oxford (Anh) và Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã phát hiện những tảng đá cổ xưa ở Greenland mang dấu tích lâu đời nhất của từ trường sơ khai trên Trái đất.
Trong bài báo khoa học được công bố trên tạp chí Journal of Geophysical Research vào tháng 4/2024, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích những tảng đá chứa sắt ở Vành đai Isua (Greenland) – một trong những phần còn sót lại lâu đời nhất của lớp vỏ Trái đất. Các hạt sắt trong đá giống như những nam châm nhỏ có thể ghi lại cả cường độ và hướng từ trường khi đá hình thành thông qua cách sắp xếp của chúng.
Các nhà nghiên cứu phát hiện, những tảng đá ở Vành đai Isua có niên đại cách đây 3,7 tỷ năm với cường độ từ trường ít nhất là 15 microtesla, mạnh gần bằng một nửa so với từ trường ngày nay.
Các nghiên cứu trước đây từng đưa ra bằng chứng cho thấy từ trường Trái đất hình thành cách đây khoảng 3,5 tỷ năm.Kết quả nghiên cứu mới đã đẩy lùi thời gian từ trường Trái đất xuất hiện thêm 200 triệu năm nữa – trùng với thời điểm sự sống lần đầu tiên xuất hiện trênTrái đất.
“Từ trường là một trong những điều kiện ban đầu của hành tinh đã giúp sự sống tồn tại và phát triển. Từ trường bảo vệ các sinh vật tránh khỏi những bức xạ có hại từ không gian, đồng thời giúp các đại dương và bầu khí quyển có thể hoạt động ổn định trong thời gian dài”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Nguồn:
MIT, Livescience
Bài đăng số 1290 (số 18/2024) KH&PT
Quốc Hùng và nhóm tác giả lược dịch