Các nhà khoa học Mỹ đang tạo ra các tế bào chức năng làm thu hẹp khoảng cách giữa vật liệu tổng hợp và vật liệu sống.

Các tế bào tổng hợp được tạo ra với công nghệ peptide-DNA. Ảnh: UNC
Các tế bào tổng hợp được tạo ra với công nghệ peptide-DNA. Ảnh: UNC

Các nhà khoa học tại Đại học North Carolina ở Chapel Hill (Mỹ) đã xử lý DNA và protein để tạo ra các tế bào nhân tạo có hình dáng và hoạt động giống như tế bào sống tự nhiên của cơ thể, mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực sinh học tổng hợp.

Kết quả nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí Nature Chemistry vào tháng 4/2024.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ peptide-DNA,lập trình lại các chuỗi DNA để nó hoạt động như một vật liệu kiến ​​trúc, liên kết các peptide lại với nhau để tạo thành khung xương tế bào.Peptide là khối xây dựng của protein, bao gồm một chuỗi dài các axit amin.

Khung xương tế bào nhân tạo khá linh hoạt, có thể thay đổi cấu trúc, hình dạng, phản ứng lại với môi trường xung quanh và thực hiện nhiều chức năng giống như tế bào thật, tùy theo lập trình ban đầu của các nhà khoa học. Tế bào nhân tạo vẫn duy trì ổn định ngay cả ở nhiệt độ 50°C.

Nhóm nghiên cứu hy vọng công nghệ mới sẽ có nhiều tính ứng dụng trong lĩnh vực y học tái tạo, phân phối thuốc và chẩn đoán bệnh.