Vào giữa tháng 3, tàu vũ trụ Starship của Công ty SpaceX – thiết bị phóng lớn nhất từng được chế tạo – đã bị phá hủy trong quá trình quay trở lại Trái đất sau khi gần hoàn thành chuyến bay thử nghiệm lần thứ ba.

Nguyên mẫu tàu vũ trụ Starship. Ảnh: SpaceX
Nguyên mẫu tàu vũ trụ Starship. Ảnh: SpaceX

Tàu vũ trụ Starship dài 120 mét, nặng khoảng 5.000 tấn khi nạp đầy nhiên liệu đã cất cánh từ sân bay vũ trụ Starbase của SpaceX ở gần Boca Chica, bang Texas (Mỹ). Trong thử nghiệm lần này, Starship đã bay khoảng cách lớn hơn nhiều so với các lần thử nghiệm trước đó và duy trì chuyến bay nửa vòng Trái đất trong khoảng một giờ.

Tuy nhiên, trạm điều khiển mặt đất đã bị mất liên lạc với tàu vũ trụ trong quá trình nó bay đến địa điểm hạ cánh dự kiến ở Ấn Độ Dương. Cụ thể, họ đã không thể kết nối với dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của SpaceX, cũng như Hệ thống vệ tinh theo dõi và chuyển tiếp dữ liệu (TDRSS) – thứ mà họ dùng để quan sát tên lửa.

SpaceX xác nhận rằng có lẽ tàu vũ trụ Starship đã bị đốt cháy hoặc vỡ ra trong quá trình hồi quyển.

“Bộ tăng áp được kỳ vọng sẽ giúp tàu Starship hạ cánh có kiểm soát xuống đại dương, nhưng nó đã không đốt cháy tất cả các động cơ như chúng tôi mong đợi”, Dan Huot, phát ngôn viên của SpaceX, cho biết.

Trong hai lần thử nghiệm trước đó vào năm 2023, tàu Starship cũng kết thúc bằng những vụ nổ sau khi rời bệ phóng lần lượt là 4 phút và 8 phút. Tuy nhiên, các kỹ sư SpaceX thường coi những lỗi kỹ thuật trong các chuyến bay thử nghiệm là điều bình thường. Mục tiêu của họ là thu thập dữ liệu để tạo ra phiên bản tàu Starship ngày càng tốt hơn.

Với tổng cộng 33 động cơ và khả năng chở khoảng 100 phi hành gia, SpaceX dự định phát triển tàu vũ trụ Starship nhằm đưa các phi hành gia lên Mặt trăng và sao Hỏa trong tương lai.

Nguồn: Techtimes, Theguardian