Vào tháng 3/2024, Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) đã công bố kế hoạch hợp tác với Trung Quốc để xây dựng một lò phản ứng hạt nhân trên Mặt trăng vào năm 2035. Lò phản ứng này sẽ cung cấp năng lượng cho một căn cứ trên Mặt trăng mà hai nước sẽ cùng vận hành trong tương lai.
“Công việc xây dựng đầy thách thức này có thể diễn ra một cách tự động mà không có sự hiện diện của con người. Các giải pháp công nghệ cần thiết để thực hiện nó gần như đã sẵn sàng”, Yury Borisov, người đứng đầu Roscosmos, cho biết. “Các tấm pin Mặt trời sẽ không thể cung cấp đủ điện cho các khu định cư trên Mặt trăng trong tương lai, trong khi năng lượng hạt nhân thì có thể”.
Trước đó, vào năm 2021, Roscosmos và Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) tiết lộ rằng họ dự định xây dựng một căn cứ chung trên Mặt trăng, với tên gọi là Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS). Vào thời điểm đó, họ tuyên bố sẽ “mở cửa cho tất cả các quốc gia và đối tác quốc tế quan tâm”.
Tuy nhiên, các phi hành gia thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) khó có thể đến thăm căn cứ này do mối quan hệ lạnh nhạt trong lịch sử với CNSA và những rạn nứt gần đây với Roscosmos – cơ quan sẽ rời khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào năm 2025 để đáp trả lại các lệnh trừng phạt của Mỹ khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bắt đầu diễn ra vào tháng 2/2022.
Nguồn: Livescience.com
Bài đăng số 1283 (số 11/2024) KH&PT
Quốc Hùng