Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Metabolism vào ngày 25/5, các nhà khoa học tại Đại học Washington ở St. Louis (Mỹ) đã tạo ra trạng thái giống như ngủ đông ở chuột bằng cách sử dụng các xung sóng siêu âm tác động không xâm lấn đến não.

Kỹ thuật này hoạt động bằng cách nhắm xung sóng siêu âm vào một vùng não đặc biệt gọi là vùng tiền thị, hay POA, dẫn đến việc kích hoạt các tế bào thần kinh gây ra hiện tượng giảm tốc độ trao đổi chất và nhiệt độ cơ thể. Hiệu quả xảy ra gần như ngay lập tức. Sau một loạt xung siêu âm kéo dài khoảng 10 giây, những con chuột đã giảm nhịp tim, tiêu thụ oxy thấp hơn, thay đổi từ chuyển hóa đường sang chuyển hóa chất béo, nhiệt độ cơ thể giảm từ 3 đến 3,5°C. Những con vật thức dậy sau vài giờ một cách tự nhiên.

Trong một thí nghiệm khác, các nhà nghiên cứu sử dụng một hệ thống tự động phát thêm các xung siêu âm bất cứ khi nào nhiệt độ cơ thể con vật bắt đầu tăng trở lại. Thông qua đó, họ có thể giữ chuột ở trạng thái hôn mê trong 24 giờ liên tục mà não không bị tổn thương và không gây khó chịu cho chúng.

Nhóm nghiên cứu cho rằng khi áp dụng cho con người, trạng thái ngủ đông do sóng siêu âm gây ra có thể làm tăng khả năng sống sót cho bệnh nhân đang trải qua các triệu chứng đe dọa đến tính mạng bằng cách làm chậm quá trình trao đổi chất và tiến triển của bệnh. Người ta cũng có thể sử dụng nó để giúp phi hành gia ngủ đông trong các chuyến du hành vũ trụ dài ngày trong tương lai.