Tổng lợi nhuận từ 9 trong số các công ty nhiên liệu hóa thạch lớn nhất đạt gần 100 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2023.

Tổng lợi nhuận của các công ty này là 457 tỷ USD trong năm 2022, bằng khoảng 1/6 khoản đầu tư cần thiết hằng năm để đáp ứng các cam kết mà các chính phủ đã đưa ra nhằm chống biến đổi khí hậu - theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một nhóm nghiên cứu chính sách liên chính phủ ở Paris.

Các công ty nhiên liệu hóa thạch lớn vẫn thu về lợi nhuận kỷ lục do nhu cầu cao.

IEA cho biết, để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải do các quốc gia cam kết, thế giới phải đầu tư trung bình 2,7 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năng lượng sạch từ nay đến năm 2030. Để trở nên trung hòa carbon trước năm 2050, số tiền đầu tư sẽ lớn hơn nữa, tiêu tốn 4,6 nghìn tỷ USD mỗi năm từ nay đến 2030. Hiện tại, trên toàn cầu, chi tiêu hằng năm cho năng lượng xanh là khoảng 1,4 nghìn tỷ USD, IEA ước tính.

Năm 2023, một số công ty nhiên liệu hóa thạch đang có thu nhập lớn hơn bình thường do xung đột Nga - Ukraine và đại dịch COVID-19 đẩy giá dầu và khí đốt tăng, theo Charlie Wilson, nhà nghiên cứu năng lượng và biến đổi khí hậu tại Đại học Oxford (Anh).

Trong khi đó, các cuộc biểu tình chống các công ty nhiên liệu hóa thạch và kêu gọi chống khủng hoảng khí hậu đang xảy ra gần như hằng tuần ở các thành phố trên toàn thế giới, yêu cầu các chính phủ phải hành động khẩn cấp hơn. Vào tháng 2/2023, các nhà hoạt động từ Green Peace đã biểu tình bên ngoài trụ sở chính của Shell ở London, sau khi công ty này công bố lợi nhuận hằng năm.

"Trong khi Shell tính toán lợi nhuận vượt kỷ lục hàng tỷ USD, thì người dân trên toàn cầu phải tính toán thiệt hại do hạn hán, sóng nhiệt và lũ lụt kỷ lục", Elena Polisano, nhà vận động tại Green Peace, cho biết.

"Lợi nhuận trong ngành công nghiệp dầu khí cho thấy nhu cầu đối với mặt hàng này lớn như thế nào", Daniel Duma, nhà nghiên cứu tại Viện Môi trường Stockholm, cho biết. "Các nghiên cứu đến nay cho thấy việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch phải giảm ngay lập tức để thế giới có cơ hội đạt được các mục tiêu của thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu", Duma cho biết. "Tuy nhiên quan sát hành vi và quyết định của các quốc gia và công ty sản xuất dầu khí lớn, kế hoạch có vẻ như là tiếp tục hoặc thậm chí mở rộng sản xuất."

Nguồn: