Ngày 11/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố đậu mùa khỉ hay mpox không còn trong Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây lo ngại trên phạm vi quốc tế (PHEIC). Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng quyết định này sẽ làm giảm các nguồn lực phục vụ kiểm soát dịch bệnh ở những nơi bệnh vẫn còn phổ biến, như châu Phi.

Các bác sĩ ở châu Phi bày tỏ lo ngại căn bệnh này sẽ bị bỏ qua giống như cách nó đã bị bỏ qua trong một thời gian dài, trước khi gây bùng phát toàn cầu vào năm 2022.

Họ cho rằng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp PHEIC đối với mpox hồi tháng 7/2022 đã giúp thu hút sự chú ý của thế giới vào căn bệnh này ở một số nước châu Phi vốn có ít nguồn lực hơn rất nhiều so với các nước giàu trong việc kiểm soát lây nhiễm. Quyết định của WHO cũng được cho là đã góp phần kêu gọi các chính phủ và ngành y tế công cộng ở các quốc gia bị ảnh hưởng tăng hỗ trợ. PHEIC còn là cơ hội kêu gọi sự ủng hộ để phát triển vaccine và phương pháp điều trị ở châu Phi.

Đến nay, hàng triệu liều vaccine đã được phân phối để kiểm soát các ổ dịch, tuy nhiên chủ yếu ở các nước giàu như Mỹ và Vương quốc Anh. Vaccine và phương pháp điều trị vẫn nằm ngoài tầm với của các nước châu Phi.

Số trường hợp mắc bệnh mpox vẫn đang gia tăng ở một số nơi trên thế giới.

Trong thông báo chấm dứt PHEIC, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý, số ca mpox được báo cáo trong 3 tháng qua đã giảm gần 90% so với 3 tháng trước đó. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của WHO, cũng được công bố vào ngày 11/5, cho thấy số ca mắc bệnh trên toàn cầu đã tăng nhẹ trong 7 ngày trước đó.

Kể từ báo cáo trước của WHO, công bố ngày 27/4, có 264 ca mpox mới và 10 trường hợp tử vong liên quan được ghi nhận chính thức. Đã có báo cáo về các nhóm ca bệnh mới, một số ca là những người đã được tiêm vaccine vào mùa hè năm ngoái. Hầu hết các ca nhiễm là ở châu Mỹ, đặc biệt là ở Mexico và Brazil; và ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Úc. Tổng cộng, hơn 87.000 trường hợp mpox và 140 trường hợp tử vong đã được ghi nhận tại 111 quốc gia kể từ khi dịch bệnh bắt đầu giữa năm ngoái.

Các chuyên gia lưu ý, phần lớn dân số không có khả năng miễn dịch chống lại mpox, vì thế nếu căn bệnh xâm nhập vào mạng lưới du lịch, lễ hội mùa hè, thì có nguy cơ xảy ra những sự kiện siêu lây nhiễm và theo đó là đợt bùng phát mới.

Khi được hỏi tại một cuộc họp báo vào ngày 11/5 rằng quyết định chấm dứt PHEIC có dẫn đến việc mpox bị bỏ quên hay không, Michael Ryan, Giám đốc về các trường hợp y tế khẩn cấp của WHO, cho biết: “Đây là một căn bệnh bị bỏ quên. Và nó cũng từng hoàn toàn bị bỏ quên ngay trong đợt bùng phát này. WHO đã phải tài trợ cho tất cả các hoạt động ứng phó với dịch bệnh trên phạm vi quốc tế, lấy từ quỹ dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp. Không một USD nào đến từ các nhà tài trợ".


Nguồn: