Phụ nữ trong lĩnh vực STEM chỉ nhận khoảng 88% mức lương so với nam giới cùng ngành, thậm chí con số này thấp hơn 75% ở nhiều quốc gia.
Trong báo cáo “Changing the equation: securing STEM futures for women” được xuất bản vào tháng 10/2024, UNESCO và nhóm G20 đã chỉ ra tình trạng bất bình đẳng giới nghiêm trọng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).
Từ năm 2005 đến nay, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong STEM tại các nước G20 (nhóm các nền kinh tế lớn) chỉ tăng nhẹ từ 19% lên mức 22%.
Các yếu tố như định kiến xã hội, môi trường giáo dục và niềm tin vào khả năng của bản thân có thể ngăn cản phụ nữ dấn thân vào lĩnh vực STEM. Hiện tại, chỉ có khoảng 35% sinh viên tốt nghiệp STEM tại các quốc gia G20 là phụ nữ, và tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn trong ngành kỹ thuật và xây dựng (phụ nữ chiếm tỷ lệ 26%).
Khi phụ nữ gia nhập thị trường lao động STEM, họ tiếp tục phải đối mặt với nhiều rào cản như môi trường làm việc thiếu linh hoạt, tình trạng phân biệt giới tính, thiếu chính sách hỗ trợ chăm sóc và nuôi dạy con cái, và đặc biệt là vấn đề chênh lệch lương. Phụ nữ trong lĩnh vực STEM chỉ nhận khoảng 88% mức lương so với nam giới cùng ngành, thậm chí con số này thấp hơn 75% ở nhiều quốc gia.
Để giải quyết vấn đề, UNESCO đề xuất ba giải pháp chính: (1) Xóa bỏ định kiến về giới trong khoa học, (2) Mở rộng cơ hội giáo dục STEM cho trẻ em gái, (3) Tạo môi trường làm việc bình đẳng, hấp dẫn để giữ chân và phát triển tài năng của các nhà khoa học nữ.
Nguồn: iflscience.com
Đăng số 1316 (số 44/2024) KH&PT
Quốc Hùng và nhóm tác giả