Các nhà khoa học tại Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) phát hiện tỷ lệ sinh ở hầu hết các quốc gia đang có xu hướng giảm mạnh, dẫn đến sự thay đổi nhân khẩu học trong 25 năm tới, gây ra những tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu.

Ảnh: Shutterstock.
Ảnh: Shutterstock.

Từ năm 1950 đến năm 2021, tổng tỷ suất sinh toàn cầu (TFR) – hay số trẻ sơ sinh trung bình do một phụ nữ sinh ra – đã giảm hơn một nửa, từ 4,84 xuống 2,23 do nhiều quốc gia trở nên giàu có hơn và phụ nữ sinh ít con hơn.

Nhóm nghiên cứu dự báo 3/4 các quốc gia trên thế giới sẽ giảm xuống dưới mức tỷ lệ sinh thay thế trong cơ cấu dân số [2,1 trẻ em trên một phụ nữ] vào năm 2050. Tỷ lệ sinh thay thế là một con số lớn hơn 2, bởi vì không phải tất cả trẻ em đều có thể sống sót đến độ tuổi trung niên.

Tính đến năm 2100, dự kiến chỉ còn 6 quốc gia duy trì mức tỷ lệ sinh thay thế trong dân số, bao gồm các quốc gia Chad, Niger và Tonga ở châu Phi, các đảo Samoa và Tonga ở Thái Bình Dương, và Tajikistan ở Trung Á.

“Khi lực lượng lao động giảm, quy mô tổng thể của nền kinh tế sẽ có xu hướng giảm ngay cả khi sản lượng trên mỗi lao động không đổi. Nếu không có chính sách di cư phù hợp, các quốc gia sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức”, Christopher Murray, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet, nhận định.

Nguồn: CNBC, Sciencealert