Các đại dương là thước đo rõ ràng nhất về tình trạng của khí hậu, vì chúng hấp thụ hơn 90% nhiệt lượng bị giữ lại bởi các khí nhà kính phát ra từ đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng và các hoạt động khác của con người.

Nhiệt độ các đại dương trên thế giới đạt đến mức kỷ lục mới vào năm 2019, cho thấy sự nóng lên ngày càng nhanh của Trái đất.

Phân tích mới cho thấy 10 năm qua cũng là 10 năm ấm nhất được ghi nhận trong lịch sử đại dương. Lượng nhiệt đang được thêm vào các đại dương tương đương với mỗi người trên hành tinh chạy 100 lò vi sóng cả ngày lẫn đêm.

Sức nóng ở các đại dương trên thế giới đã đạt mức kỷ lục mới vào năm 2019

Đại dương nóng hơn dẫn đến những cơn bão nghiêm trọng hơn và làm gián đoạn chu kỳ nước, có nghĩa là lũ lụt, hạn hán và hỏa hoạn nhiều hơn, cũng như làm dâng cao mực nước biển. Nhiệt độ đại dương cao hơn cũng làm tăng số lượng sóng nhiệt biển và gây hại cho sinh vật.

Phép đo nóng lên toàn cầu phổ biến nhất là nhiệt độ không khí bề mặt trung bình, vì đây là nơi con người sống. Nhưng các hiện tượng khí hậu như El Niño có thể làm cho con số này thay đổi từ năm này sang năm khác.

"Các đại dương thực sự cho chúng ta biết Trái đất đang nóng lên nhanh như thế nào," Giáo sư John Abraham tại Đại học St Thomas, bang Minnesota, Mỹ, một trong nhóm thực hiện phân tích mới về nhiệt độ đại dương, nói. "Sử dụng các đại dương, chúng ta thấy tốc độ ấm lên liên tục, không bị gián đoạn và đang gia tăng của Trái đất. Đây là tình huống rất khẩn cấp."

"Năm 2019 không chỉ là năm ấm nhất trong lịch sử, nó còn là năm có mức nhiệt tăng lớn nhất trong cả thập kỷ, đây là một lời nhắc nhở rằng sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra vẫn không giảm bớt," Giáo sư Michael Mann, Đại học bang Pennsylvania, và là một thành viên khác trong nhóm phân tích, cho biết.

San hô tẩy trắng ở rạn san hô Great Barrier, Australia

Phân tích lần này về nhiệt độ đại dương được công bố trên tạp chí Advances In Atherheric Science, sử dụng dữ liệu đại dương từ mọi nguồn có sẵn. Hầu hết dữ liệu đến từ 3.800 chiếc phao Argo trôi tự do phân tán trên khắp các đại dương, và cũng từ các máy đo độ ẩm được bố trí trước đây.

Kết quả cho thấy nhiệt độ ngày càng tăng nhanh do khí nhà kính tích tụ trong khí quyển. Tốc độ từ tăng từ năm 1987 đến 2019 nhanh hơn 4,5 lần so với từ năm 1955 đến 1986. Phần lớn các vùng đại dương đang cho thấy sự gia tăng năng lượng nhiệt.

Năng lượng này thúc đẩy những cơn bão lớn hơn và thời tiết khắc nghiệt hơn, theo Abraham: "Trái đất và đại dương nóng lên làm thay đổi cách mưa rơi và bốc hơi. Có một quy tắc chung là các khu vực khô sẽ trở nên khô hơn nữa và các khu vực ẩm ướt sẽ trở nên ẩm ướt hơn nữa, và gây mưa lớn trong thời gian ngắn."

Đại dương nóng lên cũng làm tan băng, khiến mực nước biển dâng cao. 10 năm qua cho thấy mực nước biển cao nhất được đo trong các hồ sơ có từ năm 1900. Các nhà khoa học dự đoán mực nước biển sẽ tăng khoảng 1 mét vào cuối thế kỷ, đủ để làm cho 150 triệu người trên toàn thế giới phải di dời.

Dan Smale, tại Hiệp hội sinh học biển ở Anh, và không thuộc nhóm phân tích, cho biết nghiên cứu này đã sử dụng các phương pháp hiện đại và dữ liệu tốt nhất hiện có. "Đối với tôi, thông điệp chính là hàm lượng nhiệt của các tầng trên của đại dương toàn cầu, đặc biệt là đến độ sâu 300 mét, đang tăng nhanh, và sẽ tiếp tục tăng khi đại dương hút thêm nhiệt từ bầu khí quyển."

"Các tầng trên của đại dương rất quan trọng đối với đa dạng sinh học biển vì chúng hỗ trợ một số hệ sinh thái phong phú nhất trên Trái đất, và tầng này ấm lên sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sinh vật," Smale nói.

Phân tích mới đánh giá nhiệt trong 2.000m mặt trên của đại dương, vì đây là khu vực có nhiều dữ liệu nhất. Đây cũng là nơi phần lớn nhiệt tích tụ và là nơi sinh sống của hầu hết các sinh vật biển.

Phương pháp phân tích được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tại Bắc Kinh và sử dụng các phương pháp thống kê để nội suy các mức nhiệt ở một số nơi không có dữ liệu, như dưới nắp băng Bắc Cực. Một phân tích độc lập về dữ liệu tương tự của Cơ quan Khí quyển và Hải dương học Quốc gia Hoa Kỳ cũng cho thấy xu hướng nhiệt ngày càng tăng.

Các phép đo nhiệt đại dương đáng tin cậy chỉ có từ giữa thế kỷ 20. Nhưng Abraham nói "ngay cả trước đó, chúng ta biết đại dương không nóng hơn [so với hiện nay]."

"Dữ liệu chúng tôi có là không thể bác bỏ, nhưng chúng tôi vẫn có hy vọng bởi vì con người vẫn có thể hành động," ông nói. "Chỉ là chúng ta vẫn chưa có hành động gì có ý nghĩa."

Nguồn:

https://www.theguardian.com/environment/2020/jan/13/ocean-temperatures-hit-record-high-as-rate-of-heating-accelerates
https://www.theguardian.com/environment/2019/mar/04/heatwaves-sweeping-oceans-like-wildfires-scientists-reveal
https://www.nature.com/articles/s41558-019-0412-1