Vào ngày 21/3, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết toàn cầu đầu tiên về trí thông minh nhân tạo (AI) nhằm đảm bảo công nghệ mới nổi này mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia, an toàn, bảo mật và đáng tin cậy. Nó cũng khuyến khích các nước bảo vệ nhân quyền, bảo vệ dữ liệu cá nhân và giám sát rủi ro của AI.

Ảnh: Cnet.
Ảnh: Cnet.

“Tất cả 193 thành viên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã cùng nhau lên tiếng và cùng nhau lựa chọn quản lý trí thông minh nhân tạo thay vì để nó chi phối chúng ta”, Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, cho biết.

Nghị quyết này là sáng kiến mới nhất của các chính phủ trên thế giới nhằm định hình sự phát triển của AI, trong bối cảnh lo ngại nó có thể được sử dụng để phá vỡ các quy trình dân chủ, tăng cường nguy cơ gian lận hoặc lừa đảo, dẫn đến mất việc làm nghiêm trọng cùng nhiều tác hại khác.

Nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc và các bên liên quan hợp tác và hỗ trợ các nước đang phát triển để họ có thể hưởng lợi từ việc tiếp cận toàn diện và công bằng, thu hẹp khoảng cách và nâng cao trình độ kỹ thuật số, bao gồm cả AI.

“Quá trình đàm phán nghị quyết về AI mất gần bốn tháng, nhưng nó đã mang lại cho thế giới một bộ nguyên tắc cơ bản để định hướng các bước tiếp theo trong việc phát triển và sử dụng AI”, Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định.