Ngày 25/1, EU đã ra mặt Quỹ Cassini trị giá 1 tỷ Euro để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực không gian trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh đang tiến nhanh chóng.

Ông Thierry Breton, Ủy viên EU về thị trường nội khối EU | Ảnh: FT
Ông Thierry Breton, Ủy viên EU về thị trường nội khối EU | Ảnh: FT

Quỹ Cassini được đặt theo tên của nhà thiên văn học người Pháp gốc Italy ở thế kỷ 17, Giovanni Domenico Cassini, người đã phát hiện 4 vệ tinh của Sao Thổ và ghi nhận sự phân chia của các vành đai Sao Thổ.

Nhiều công ty khởi nghiệp thiếu vốn để mở rộng quy mô, phải tìm đến các nhà đầu tư từ bên ngoài EU, ông Thierry Breton, ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của EU, cho biết tại một cuộc họp ngành công nghiệp vũ trụ châu Âu ở Brussels. "Đây là một mất mát lớn đối với châu Âu. Quỹ Cassini sẽ là một sự thay đổi cuộc chơi", ông nói thêm.

Quỹ Cassini trị giá 1 tỷ Euro cho các công ty phát triển công nghệ vũ trụ-không gian hoặc các ứng dụng số liên quan đến công nghệ này ở nhiều giai đoạn tăng trưởng khác nhau từ vòng hạt giống đến vốn hóa trung bình.

Bên cạnh cung cấp các khoản đầu tư, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu quan trọng của khách hàng, khám phá những mô hình kinh doanh mới và tạo ra các kế hoạch tiếp cận thị trường thông qua mạng lưới chuyên nghiệp, các cuộc thi và chương trình cố vấn (mentoring).

Người đứng đầu quỹ EIF, ông Alain Godard, nói rằng mỗi đồng Euro mà quỹ đầu tư thường thu hút được từ 3-4 đồng Euro đầu tư tư nhân từ các công ty, trừ khi họ thấy dự án quá rủi ro.

Breton nhấn mạnh, châu Âu phải củng cố lĩnh vực không gian khi các đối thủ cạnh tranh đang tiến nhanh chóng. Ông mô tả hệ thống định vị vệ tinh Galileo của châu Âu hiện là hệ thống tốt nhất trên thế giới. Năm ngoái, châu Âu đã phóng thêm 2 vệ tinh lên quỹ đạo, nâng tổng số vệ tinh đang hoạt động của hệ thống Galileo lên 28 chiếc.

Một báo cáo gần đây của Chương trình Vũ trụ EU cho thấy thị trường định vị toàn cầu (GNSS) và quan sát trái đất (EO) đang tăng trưởng đáng kể, tạo ra doanh thu 200 tỷ euro vào năm 2021 và dự kiến đạt 500 tỷ euro trong thập kỷ tới. Theo báo cáo, châu Âu nắm giữ hơn 41% thị trường ứng dụng EO toàn cầu và 25% thị trường ứng dụng GNSS toàn cầu.

Khả năng cạnh tranh của ngành vũ trụ-không gian được coi là rất quan trọng vì nhiều công nghệ mà nó phát triển ra đang được ứng dụng trong một loạt lĩnh vực và ngành công nghiệp khác nhau.


Nguồn: