Sau khi NASA và SpaceX của Mỹ đưa tàu Dragon lên trạm ISS, Trung Quốc dự định sẽ bắt đầu lắp đặt Trạm vũ trụ Thiên Cung từ năm 2020 và hoàn tất vào năm 2022 thì EU cũng bắt đầu tăng tốc các chương trình không gian của mình.
Một bãi phóng tên lửa của châu Âu - Ảnh: Internet
Ông Thierry Breton, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường và công nghệ nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn rằng EU đang đẩy nhanh các kế hoạch không gian của mình trước sự tiến bộ nhanh chóng của các công ty tư nhân như SpaceX của Mỹ và những thành công về lĩnh vực vũ trụ Trung Quốc.
Hiện EU đang tăng tốc để triển khai chương trình vệ tinh điều hướng Galileo thế hệ mới và đưa vào năm 2024, (sớm hơn 3 năm so với kế hoạch là năm 2027). Galileo được EU phát triển từ đầu những năm 2000. Galileo khác với GPS của Mỹ và GLONASS của Nga và Beidou/Compass của Trung Quốc ở chỗ nó là một hệ thống định vị được điều hành và quản lý bởi các tổ chức dân dụng, phi quân sự.
Vệ tinh điều hướng Galileo của EU - Ảnh: ESA
EU cũng đang ký một thỏa thuận trị giá 1 tỷ euro với Arianespace để thúc đẩy sự đổi mới, và sẽ đề xuất Quỹ không gian châu Âu trị giá 1 tỷ euro để thúc đẩy khởi động các dự án không gian vũ trụ. "Để chạy đua với SpaceX, EU cần có tên lửa đẩy Ariane 6, nhưng đó không phải là mục tiêu cuối cùng: chúng ta phải bắt đầu nghĩ về Ariane 7", ông Breton nói.
EU cũng đang muốn có riêng một hệ thống vệ tinh mới để cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng tốc độ cao phủ sóng toàn châu Âu.
Trang công nghệ Engadget bình luận, EU đang nhanh chóng triển khai các chương trình vũ trụ và nỗ lực có một hệ thống không gian độc lập của riêng mình là vì họ đang gặp khó khăn với các vụ phóng tên lửa do phụ thuộc vào vệ tinh định vị GPS của Mỹ.
Thế nhưng trong bối cảnh châu Âu đang vật lộn với đại dịch COVID-19 nên không có gì đảm bảo rằng chương trình không gian của họ sẽ nhận được ngân sách đủ lớn khi nhiều thứ cần thiết khác được quan tâm khẩn cấp.
Theo Motthegioi