Để đáp ứng các nhu cầu về R&D trong lĩnh vực không gian của châu Âu, các nhà hoạch định chính sách cần cải thiện hơn nữa sự hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ, nhằm giúp họ thực hiện có hiệu quả các dự án lớn hàng tỷ euro.

Cụ thể, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mong muốn nâng cao hiểu biết của các nhà quản lý về năng lực của họ trong việc có thể cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tiên tiến, đồng thời thay đổi các phương thức mua sắm công để họ có thể cạnh tranh với các công ty lớn đã có tên tuổi như Airbus hiện đang thống trị thị trường này.

Các công ty vừa và nhỏ trong ngành không gian vũ trụ của châu Âu mong muốn được tài trợ để mở rộng quy mô sản xuất. Nguồn: spacenews.com

Hiện nay, ngành công nghiệp không gian đã được chuyển đổi trong vài thập kỷ qua, với việc giảm quy mô công nghệ - một giải pháp tăng hiệu suất nhưng lại giảm chi phí – và hạ thấp rào cản để gia nhập thị trường. Kết quả là, các công ty nhỏ hơn cũng có thể đóng vai trò dẫn đầu trong một lĩnh vực về truyền thống thường nằm trong tay các gã khổng lồ công nghệ “lắm tiền nhiều của” như Airbus. “Vai trò của chúng tôi ngày một gia tăng nhưng để tạo ra sự thay đổi thực sự thì chúng tôi có thể cần được cam kết hỗ trợ trọn vẹn trong những sản phẩm và dịch vụ không gian”, Hans Bracquené, chủ tịch SME4Space, một hiệp đoàn gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa của ngành công nghiệp không gian châu Âu, nói.

Dù thị trường đã mở rộng cánh cửa hơn, các vai phụ vẫn còn rất khó khăn để có thể vận hành được trong một môi trường mà vì nhiều nguyên nhân lịch sử đã được cấu trúc và xây dựng theo hướng thực hiện các dự án cực lớn. “Các vấn đề của chúng tôi không phải là vấn đề của Airbus. Chúng tôi là doanh nghiệp thế hệ mới. Chúng tôi có cách của riêng mình để có thể đem lại sự sáng tạo cho lĩnh vực này”, Capet cho biết nguyên nhân vì sao cần có những cải cách mới về chính sách.

Về chính sách cho lĩnh vực hàng không thì châu Âu đang đứng ở ngã ba đường. Đầu năm nay, các thành viên EU thiết lập nền tảng cho chương trình đầu tư vào nghiên cứu lớn nhất châu lục là Horizon Europe để thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành công nghiệp vũ trụ.

Nó đã được bắt đầu vào tháng sáu nhưng họ chưa chấp thuận khung chương trình. Vào cuối tháng này, họ sẽ chờ đợi việc kết thúc việc bàn cãi nhưng ngay cả khi đi đến hồi kết thì giới công nghiệp hàng không vẫn sợ hãi về việc ngân sách và tham vọng của chương trình sẽ thấp hơn chờ đợi.

Nhu cầu về vốn đầu tư

Trong khi đó, một công cụ chính sách hiện tại mà EC áp dụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ là Cassini, một quỹ đầu tư ươm mầm và nâng cấp quy mô trị giá một tỉ euro. Ngoài tài trợ cho các công ty khởi nghiệp và các công ty vừa và nhỏ trong toàn bộ chuỗi giá trị không gian, quỹ này còn tài trợ cho các cuộc thi phát triển phần mềm, các giải thưởng, các dịch vụ tư vấn và tăng tốc thúc đẩy kinh doanh, tổ chức các cuộc gặp gỡ nhà đầu tư – khởi nghiệp và các cuộc trình diễn trong quỹ đạo.

Cassini được xây dựng trên những gì mà EC và Cơ quan Chương trình Không gian châu Âu (EUSPA) đã thực hiện nhiều năm. “Đó là bước tiếp theo cho thành công của chúng tôi khi EUSPA đã đóng góp vào việc xây dựng một hệ sinh thái với khoảng 1.000 startup và cả các nhà đổi mới sáng tạo đang mạo hiểm sử dụng các công nghệ vũ trụ của châu Âu để tạo ra những doanh nghiệp và công việc mới ở châu Âu”, người phát ngôn của EUSPA nhận xét.

Trong sáng kiến mới nhất, Cassini đã thiết lập thách thức MyEUSpace với giải thưởng lên đến một triệu euro cho các nhà đổi mới sáng tạo phát triển và thương mại hóa tận dụng dữ liệu và dịch vụ không gian của châu Âu. “Nó sẽ hợp nhất và thử nghiệm các công nghệ mới trong các dịch vụ, di chuyển thông minh, nông nghiệp thông minh, địa lý tại châu Âu và lần đầu tiên, công nghệ lượng tử”, người phát ngôn cho biết.

Theo Bracquené, Cassini mới chỉ là bước đầu tiên. “Cần thiết có nhiều công cụ như vậy nữa, không chỉ từ châu Âu và lĩnh vực công. Nếu nhìn nào Bắc Mỹ hay Anh, đầu tư từ lĩnh vực tư nhân còn cao hơn lĩnh vực công”, ông lưu ý.

Chính điều này liên quan tới vấn đề đầu tư mạo hiểm tại châu Âu, vốn chứng kiến nền khoa học hàng đầu thế giới của họ liên tục không thể thành công về mặt thương mại do thiếu nguồn vốn tư nhân cho các công ty khởi nghiệp và mở rộng quy mô doanh nghiệp. Đây là động lực thúc đẩy EC thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm như một phần của Hội đồng Sáng tạo châu Âu vào đầu năm nay.

Thay đổi quan điểm đầu tư

Về mặt lịch sử, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được hỗ trợ tham gia vào các dự án không gian lớn. Về tương lai, Bracquené hi vọng sẽ thấy họ độc lập phát triển các dịch vụ cạnh tranh và tự mình có thể sản xuất được các hệ thống lớn. “Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là vấn đề tài chính. Chúng tôi muốn cả ESA và EU quan tâm đến điều này,” ông nói với Science|Business. “Tiếp theo là việc cần có hàng triệu euro để phát triển một hệ phóng mới, phải sẵn sàng có tiền cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển không chỉ là các công nghệ trong chuỗi cung cấp của các chương trình đó mà còn phát triển các sản phảm và dịch vụ hoàn toàn mới”.

Rất nhiều chương trình nhỏ đã được ESA chấp nhận chính thức. Bước tiếp theo là EU. “Chúng tôi hi vọng sẽ đạt được điều tương tự trong những năm đến,” Bracquené nói.

Các chương trình cho phép các công ty nhỏ hơn chuyển đổi mới sáng tạo tới thị trường như Mỹ. Chúng có khả năng gia tăng năng lực của họ để họ trở nên cạnh tranh hơn, chuyển từ R&D đến phân phối sản xuất. “Pha này vô cùng quan trọng trong phát triển một công ty”, Capet nói. “Đó là thời điểm để phân phối các sản phẩm mà anh phát triển và theo đuổi cam kết của mình, đó cũng là thời điểm để anh chuyển dổi giữa R&D và sản xuất ở quy mô công nghiệp”.

Capet nhấn mạnh đến việc các công ty châu Âu đã có đủ nguyên liệu cần thiết để chuyển từ nghiên cứu đến thành công thương mại. Hệ thống tài chính là nguyên nhân khiến họ mắc kẹt trong việc R&D cho những dự án tỉ euro do những công ty lớn điều hành.

Kết quả là châu Âu có thể bị mất tài năng và các công ty cho những kẻ cạnh tranh khác như Trung Quốc, Mỹ, UAE trong lĩnh vực mà châu Âu từng ý thức là gắn liền với chủ quyền công nghệ. “Một rủi ro chính là các công ty sẽ chuyển ra ngoài châu Âu. Các nơi có những chương trình đã được phát triển đều là những nơi có cơ hội tốt”, Capet bổ sung.

Châu Âu hiện thời vẫn là một trong những nơi tốt nhất cho không gian theo nghĩa tăng cường hiểu biết, đó cũng là nơi hỗ trợ lớn nhất cho R&D, Capet nói. “Nhưng nguy cơ là không có chỗ cho chúng ta đem đến câu trả lời mà châu Âu cần”, ông hy vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chương trình Doanh nghiệp không gian châu Âu trẻ trong vài tháng tới.

Nguồn: sciencebusiness.net