Trong giai đoạn 2017 – 2018, Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã thương mại hóa thành công một số kết quả nghiên cứu và bán được hàng ngàn sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực như vi cơ điện tử, y tế, dược phẩm,...

Ông Huỳnh Lê Minh, Trưởng phòng Quản lý KHCN và Hợp tác quốc tế SHTP, cho biết, có 7 dự án tham gia chương trình thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu phát triển trong giai đoạn 2017 – 2018 của TPHCM dành cho các doanh nghiệp đóng đô tại SHTP và 5 dự án trong số đó đã thương mại hóa sản phẩm thành công. Các dự án được hỗ trợ tối đa 30% kinh phí thực hiện phát triển sản phẩm từ quy mô phòng thí nghiệm thành sản xuất quy mô công nghiệp, đưa ra thị trường. Với 5 dự án được thương mại hóa thành công, ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 5,5 tỉ đồng; doanh nghiệp đối ứng 15,4 tỉ đồng.

Ông Huỳnh
Ông Huỳnh Lê Minh báo cáo kết quả thực hiện các dự án. Ảnh: ST

Riêng Trung tâm Nghiên cứu Triển khai (SHTP Labs) hoàn thành 4 dự án và thương mại hóa sản phẩm thông qua mô hình hợp tác 3 bên: SHTP - trường đại học - doanh nghiệp tại SHTP.

Cụ thể, dự án “Hoàn thiện quy trình tạo vật liệu nanocellulose kết hợp với chiết xuất nhung hươu định hướng ứng dụng trong quá trình làm lành vết thương” với kinh phí được hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng, đã hoàn thiện quy trình sản xuất sản phẩm băng dán dạng gel (BC A-Gel) trên công nghệ gắn tế bào gốc nhung hươu lên màng vật liệu nanocellulose. Sản phẩm có công dụng làm đẩy nhanh quá trình lành vết thương, đã được công bố và đưa vào thị trường với số lượng sản phẩm hơn 7.000 hộp.

Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất bột nanolycopen ứng dụng vào sản xuất viên nang chống nắng” với kinh phí được hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng, cũng đã hoàn thiện quy trình trích ly lycopene từ gấc, điều chế bột nanolycopen và điều chế viên nang chống nắng. Sản phẩm đã được công bố và đưa vào thị trường, với khoảng 2.000 hộp 60 viên/tháng.

b
Băng dán dạng gel từ nhung hươu giúp nhanh lành vết thương. Ảnh: SHTP

Đối với dự án “Hoàn thiện công nghệ chế tạo keo tản nhiệt từ nền vật liệu carbonnaotube và graphen ứng dụng trong các thiết bị điện tử” với kinh phí được hỗ trợ hơn 400 triệu đồng,đã hoàn thiện quy trình tổng hợp graphene quy mô 50gr/mẻ, quy trình sản xuất keo tản nhiệt quy mô lớn 20kg/mẻ. Sản phẩm có chất lượng tương đương với hàng nhập ngoại, đã được công bố và đưa vào thị trường.

Cũng do SHTP Labs thực hiện, Dự án “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ MEMS trong việc chế tạo linh kiện cảm biến áp suất ứng dụng xây dựng các module đo mực nước” với kinh phí được hỗ trợ hơn 500 triệu đồng, đã hoàn thiện quy trình công nghệ thiết kế và chế tạo cảm biến áp suất PS50 ứng dụng đo mực nước. Dự án đã sản xuất thử nghiệm 100 chip cảm biến áp suất PS50. Thiết kế và chế tạo thành công hệ thống giám sát mực nước WLM-0717 gồm phần cứng và phần mềm quản lý trên web và thiết bị di động. Đồng thời, cung cấp 1.000 cảm biến áp suất hoàn chỉnh cho Công ty Cổ phần phát triển Cơ điện tử Memsitech để thử nghiệm xây dựng các hệ thống đo mực nước.

T
Thuốc tiêm Stimus điều trị bệnh thiếu máu Ảnh: SHTP

Dự án duy nhất không do SHTP thực hiện là dự án “Hoàn thiện quy trình sản xuất dung dịch thuốc tiêm Stimus (hoạt chất Darbepoetin alfa)” - sản phẩm điều trị bệnh thiếu máu do suy thận mạn hay do quá trình điều trị ung thư. Dự án do Công ty Cổ phần CNSH Dược Nanogen thực hiện với kinh phí được hỗ trợ gần 2,7 tỷ đồng, đã làm chủ được công nghệ và sản xuất thành công dung dịch thuốc tiêm Stimus có chứa hoạt chất Darbepoetin Alfa. Sản phẩm đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng dưới dạng ống tiêm với nhiều nồng độ từ 10 – 100 mcg mỗi bơm tiêm. Hiện nay đã có nhiều nhà phân phối liên hệ mua sản phẩm này, nhu cầu ước đạt 100.000 liều/năm.

Hai dự án còn lại trong Chương trình chưa sẵn sàng thương mại hóa bao gồm dự án "Hoàn thiện công nghệ chế tạo sản phẩm công nghệ cao y sinh học ứng dụng trong điều trị chấn thương chỉnh hình (do Công ty cổ phần nhà máy trang thiết bị y tế USM thực hiện) và dự án "Nghiên cứu hoàn thiện và hỗ trợ chế tạo Aerogel làm vật liệu siêu cách nhiệt" (do Viện Vật liệu xây dựng thực hiện).

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý SHTP cho biết, thương mại hóa kết quả nghiên cứu là một trong những nhiệm vụ quan trọng của SHTP. Tuy nhiên, nhiều năm qua hoạt động này chưa thực sự tạo được dấu ấn. Doanh thu của Khu CNC hiện phần lớn đến từ doanh nghiệp FDI, trong khi phần từ doanh nghiệp trong nước còn rất khiêm tốn. Theo ông Thi, doanh nghiệp trong nước chiếm 2/3 số doanh nghiệp toàn SHTP (110/160 doanh nghiệp) nhưng đóng góp của họ chỉ 2,5%, tức khoảng 50 triệu USD, trong tổng giá trị sản xuất trong năm 2020 của SHTP (ước đạt khoảng 20 tỉ USD).

Ông Thi cho biết, SHTP tiếp tục định hình phát triển như một khu thu hút FDI công nghiệp từ các công ty có tiềm lực mạnh về công nghệ cao; đồng thời, tăng cường hoạt động nghiên cứu – đào tạo, đặc biệt là ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, và kết nối nhiều hơn nữa giữa viện nghiên cứu, đại học và doanh nghiệp để giúp họ nâng cao năng lực ứng dụng KH&CN.

SHTP mong muốn tiếp tục được UBND TPHCM hỗ trợ triển khai và nhân rộng mô hình thương mại hóa các dự án KH&CN trong giai đoạn tiếp theo.