Trong Chương trình phát triển ngành công nghiệp vi cơ điện tử của TPHCM giai đoạn 2017 – 2020, một số cảm biến và thiết bị IoT đã được nghiên cứu, chế tạo để phục vụ cảnh báo ngập lụt, đo mực nước thủy triều, quan trắc chất lượng không khí hay quan trắc sức khoẻ cầu đường.
Tại hội thảo Tổng kết Chương trình phát triển ngành công nghiệp vi cơ điện tử (MEMS) của TPHCM giai đoạn 2017 – 2020 do Trung tâm Nghiên cứu triển khai (SHTP Labs) Khu Công nghệ cao TPHCM tổ chức ngày 23/9, ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc SHTP Labs, cho biết, giai đoạn 2017-2020, ngành công nghiệp MEMS của TPHCM đã đạt được một số thành quả nhất định.
Điển hình như Dự án “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ MEMS trong việc chế tạo linh kiện cảm biến áp suất ứng dụng xây dựng các module đo mực nước” đã hoàn thiện công nghệ chế tạo cảm biến áp suất và chế tạo thành công 100 cảm biến áp suất, ứng dụng trong xây dựng hệ thống cảnh báo ngập tại 15 trạm ngập lụt của TPHCM. Sản phẩm có giá thành rẻ hơn khoảng 1/3 so với thiết bị nhập ngoại. Khi có tình trạng ngập lụt do triều cường hoặc mưa, hệ thống sẽ tự đo mực nước và truyền dữ liệu về máy chủ. Sau khi phân tích dữ liệu nhận được ở các điểm ngập, phần mềm quản lý dữ liệu sẽ đưa ra thông tin cảnh báo ngập và lộ trình di chuyển cho người dân trên thiết bị di động.
Đánh giá cao chất lượng cảm biến áp suất đo mực nước ứng dụng trong hệ thống cảnh báo ngập lụt, Sở Xây đề xuất tiếp tục mở rộng ứng dụng hệ thống này cho các điểm ngập khác của thành phố.
Ông Nguyễn Minh Giám, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết đã thử nghiệm sản phẩm cảm biến áp suất đo mực nước thủy triều do SHTP Labs chế tạo. Kết quả, sản phẩm chạy ổn định, hoạt động tốt với độ chính xác cao. Ông Giám mong muốn, Chương trình tiếp tục nghiên cứu thêm những cảm biến khác phục vụ ngành khí tượng thủy văn, môi trường để Đài có thể tiếp nhận sử dụng, nhằm thay thế dần những thiết bị nhập khẩu.
Ngoài ra, Chương trình còn thực hiện đề tài "Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị IoT Gateway tích hợp giải pháp bảo mật trên nền tảng IoT" ứng dụng thí điểm quan trắc chất lượng không khí tại Khu công nghệ cao TPHCM, giúp giải quyết bài toán thu thập dữ liệu môi trường bằng phương pháp quan trắc di động. Hay dự án "Nghiên cứu mô phỏng, thiết kế và chế tạo thử nghiệm cấu trúc MEMS Strain Gauge nhằm hướng tới ứng dụng thử nghiệm trong hệ thống quan trắc sức khoẻ cầu đường tại TPHCM" đã chế tạo và đóng gói được 20 cảm biến MEMS Strain Gauge;...
Trong hoạt động đào tạo, 73 học viên đã được đào tạo về công nghệ đóng gói linh kiện MEMS; chuyển giao một số quy trình chế tạo linh kiện MEMS tại phòng sạch; công nghệ polymer MEMS;...
Bên cạnh đó, từ năm 2017, Hội nghị quốc tế thường niên về MEMS và hệ thống cảm biến được tổ chức với từng chủ đề như MEMS/IoT cho thành phố thông minh; MEMS/IoT cho thành phố an toàn và thân thiện; MEMS và vật liệu nano;... đã thu hút đông đảo các đại biểu trong và ngoài nước tham dự.
TS Lê Hoài Quốc, nguyên Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ TPHCM, cho rằng trong thời gian tới, Chương trình cần nhanh chóng đưa những kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn ở các lĩnh vực như cảnh báo thiên tai, y sinh, cầu đường, nông nghiệp,.... Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng quan hệ hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước.
“Những kết quả bước đầu mà Chương trình đã đạt được, khẳng định TPHCM làm chủ được công nghệ MEMS, đủ khả năng hợp tác với đối tác nước ngòai để phát triển ngành công nghiệp MEMS” – ông Ngô Võ Kế Thành chia sẻ và cho biết, trong giai đoạn 2020- 2025, Chương trình cố gắng phát triển để công nghệ MEMS Việt Nam có mặt trên bản đồ MEMS của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.