Các mỏ than sắp đi vào khai thác trên toàn thế giới sẽ thải ra 13,5 triệu tấn mê-tan mỗi năm, tăng 30% so với hiện tại và gây tác động khí hậu tương đương với lượng khí thải CO2 từ tất cả các nhà máy điện than của Mỹ cộng lại, theo báo cáo mới của Global Energy Monitor.

Khí mê-tan là một trong những nhân tố chính gây nóng lên toàn cầu vì nó giữ nhiệt trong khí quyển. Mê-tan cũng liên quan đến sự hình thành ozone ở tầng đối lưu. Tuổi thọ của mê-tan trong khí quyển vào khoảng 12 năm - ngắn hơn nhiều so với carbon dioxide, tồn tại hơn một thế kỷ. Nhưng khí mê-tan mạnh hơn khí CO2 nhiều lần trong vai trò khí nhà kính. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, trong khoảng thời gian 20 năm, tiềm năng gây nóng lên toàn cầu của một tấn khí mê-tan tương đương với khoảng 85 tấn CO2. Trong hơn 100 năm, một tấn khí methane vẫn gây tác động tương đương khoảng 28 tấn CO2.

Báo cáo của Global Energy Monitor đã khảo sát 432 dự án khai thác than đá đang được đề xuất triển khai trên toàn cầu và lập mô hình ước tính phát thải khí mê-tan ở từng dự án riêng lẻ. Kết quả, các mỏ than dự kiến sẽ khai thác sẽ thải ra 13,5 triệu tấn khí mê-tan, tương đương 1.135 triệu tấn CO2 tồn tại trong 20 năm, và tương đương 378 triệu tấn CO2 tồn tại trong 100 năm.

Ryan Driskell Tate, nhà phân tích nghiên cứu tại Global Energy Monitor và là tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Trong nhiều năm qua khí mê-tan từ mỏ than ít được lưu tâm giám sát, mặc dù có những bằng chứng rõ ràng rằng nó gây ra tác động đáng kể tới khí hậu. Các mỏ than sắp được đưa vào khai thác tới đây theo kế hoạch, nếu không có các biện pháp giảm thiểu phát thải, sẽ trở thành một nguồn khí nhà kính khổng lồ không kiểm soát.”

Các quốc gia sẽ có lượng phát thải mê-tan nhiều nhất từ ​​các mỏ than đang được đề xuất khai thác là Trung Quốc (572 triệu tấn), Úc (233 triệu tấn), Nga (125 triệu tấn), Ấn Độ (45 triệu tấn), Nam Phi (34 triệu tấn), Mỹ (28 triệu tấn), và Canada (17 triệu tấn).

Các dự án khai thác than ở Trung Quốc, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Uzbekistan có thể thải ra lượng khí mê-tan chiếm 40-50% tổng lượng khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính ở từng nước, khiến chúng trở thành những dự án khai thác than gây ô nhiễm nhất trên thế giới.

Được biết, Global Energy Monitor là tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, chuyên cung cấp thông tin liên quan tới các dự án nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới.

Nguồn:

Media Climate Net, Global Energy Monitor