Phát thải khí methane toàn cầu đã tăng gần 10% trong hai thập kỷ qua, dẫn đến nồng độ cao kỷ lục của loại khí nhà kính này trong khí quyển.

Trong năm 2017, năm gần nhất có dữ liệu toàn diện, lượng phát thải khí methane trên toàn cầu đạt mức kỷ lục 596 triệu tấn, theo các nhà khoa học ở Dự án Carbon toàn cầu - nhóm chuyên theo dõi sự biến động của các khí nhà kính.

Chăn nuôi là một trong các yếu tố chính thúc đẩy gia tăng phát thải methane.

Mức phát thải hằng năm đã tăng khoảng 50 triệu tấn so với mức trung bình của giai đoạn 2000 - 2006, theo hai bài báo (https://doi.org/10.1088/1748-9326/ab9ed2https://doi.org/10.5194/essd-12-1-2020) công bố vào ngày 14/7.

Nồng độ methane trong khí quyểnhiện cao hơn 2,5 lần so với mức tiền công nghiệp.

Khí Methane là một trong những nhân tố chính gây nóng lên toàn cầu vì nó giữ nhiệt trong khí quyển. Methane cũng liên quan đến sự hình thành ozone ở tầng đối lưu.

Phát thải methane toàn cầu tăng 10% trong 2 thập kỷ qua, lên mức cao kỷ lục.

Tuổi thọ của methane trong khí quyển là khoảng 12 năm - ngắn hơn nhiều so với carbon dioxide, tồn tại hơn một thế kỷ. Nhưng khí methane mạnh hơn khí CO2 nhiều lần trong vai trò khí nhà kính. Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, trong khoảng thời gian 20 năm, tiềm năng gây nóng lên toàn cầu của một tấn khí methane tương đương với khoảng 85 tấn CO2. Trong hơn 100 năm, một tấn khí methane vẫn gây tác động tương đương khoảng 28 tấn CO2.

Khí methane không mùi, đến từ một số nguồn tự nhiên và nhân tạo. Khoảng một phần ba lượng khí thải methane toàn cầu do vi khuẩn trong vùng đất ngập nước tự nhiên tạo ra khi phân hủy vật liệu hữu cơ. Các nguồn methane từ nông nghiệp và nhiên liệu hóa thạch mỗi nguồn chiếm 20 - 25% lượng khí thải methane toàn cầu.

Các nhà khoa học không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy khí thải methane từ các vùng đất ngập nước hoặc các nguồn tự nhiên khác tăng đáng kể so với mức trung bình của năm 2000. Nhưng lượng khí methane thải ra từ nông nghiệp đã tăng gần 12%, lên 227 triệu tấn trong năm 2017. Nhiên liệu hóa thạch - bao gồm các mỏ khí đốt tự nhiên và đường ống bị rò rỉ - đóng góp 108 triệu tấn khí thải metan năm 2017, tăng 17%.

Robert Jackson, nhà nghiên cứu hệ thống trái đất tại Đại học Stanford ở California, chủ tịch Dự án Carbon toàn cầu và là đồng tác giả của cả hai bài báo, cho biết: "Người ta có thể nghĩ đây là nói đùa, nhưng bò và động vật nhai lại ợ ra nhiều khí mê-tan như ngành công nghiệp dầu khí."

Các báo cáo cho thấy lượng khí thải đã tăng ở hầu hết các khu vực và rõ rệt nhất là ở Châu Phi, Trung Đông, Trung Quốc và Nam Á. Châu Âu là khu vực duy nhất mà khí thải methane dường như đã giảm trong những năm gần đây, nhờ số lượng gia súc giảm và các nỗ lực chính sách để giảm lượng khí thải như từ bãi rác và phân bón.

Nguồn: