Trong nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ vào tháng 3/2021, tiến sĩ Athanasios Damialis tại Đại học Kỹ thuật Munich (Đức) và các cộng sự đã tìm ra bằng chứng cho thấy nồng độ phấn hoa trong không khí cao hơn làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Nhóm nghiên cứu đã so sánh tốc độ lây lan dịch bệnh Covid-19 với dữ liệu về sự gia tăng và sụt giảm của nồng độ phấn hoa trong không khí theo mùa tại 130 địa điểm ở 31 quốc gia. Họ phát hiện tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở mức cao nhất sau khi nồng độ phấn hoa đạt đỉnh khoảng bốn ngày.
“Tỷ lệ lây nhiễm tăng trung bình khoảng 4% trên 100 hạt phấn hoa trong một mét khối không khí. Các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội góp phần làm giảm một nửa mức tăng này”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Nhà sinh học Lewis Ziska, đồng tác giả của nghiên cứu, giải thích rằng phấn hoa có thể ảnh hưởng đến cách thức hệ thống miễn dịch của con người phản ứng với virus. Nó can thiệp vào các protein trong những tế bào lót đường thở có vai trò kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể. Do đó, phấn hoa khiến mọi người dễ nhiễm các loại virus xâm nhập qua đường hô hấp hơn. Đó là chưa kể một số bệnh nhân Covid-19 bị dị ứng với phấn hoa thường xuyên ho và hắt hơi, làm tăng lượng virus trong không khí.
Quốc Hùng theo Sciencealert