Các nhà nghiên cứu Australia và Trung Quốc đã tìm ra bằng chứng cho thấy những cơn mưa đầu tiên trên Trái đất xuất hiện cách đây khoảng 4 tỷ năm, sớm hơn 500 triệu năm so với nhận định trước đây của các nhà khoa học.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận trên sau khi phân tích đồng vị oxy lưu giữ trong các tinh thể zircon cổ đại tại khu vực đồi Jack Hills ở phía Tây Australia bằng phương pháp khối phổ ion thứ cấp.
Họ nhận thấy sự xuất hiện bất thường của đồng vị oxy nhẹ (Oxy-16) bên trong tinh thể. Điều này chỉ có thể xảy ra khi có sự tương tác giữa nước ngọt và đá nóng chảy cách đây khoảng 4 tỷ năm. Kết quả phân tích của họ được công bố trên tạp chí Nature Geoscience vào ngày 3/6.
Nghiên cứu mới cho thấy Trái đất đã tồn tại các vùng đất khô, nơi nước ngọt tích tụ và thấm vào lớp vỏ lục địa từ cách đây hàng tỷ năm.
“Liệu sự sống có bắt đầu sớm như vậy trong lịch sử của Trái đất hay không là một câu hỏi chúng ta vẫn chưa có lời giải đáp”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Nguồn: Sciencealert
Bài đăng số 1295 (số 23/2024) KH&PT
Quốc Hùng và nhóm tác giả lược dịch