Vào ngày 4/6, tàu vũ trụ Hằng Nga 6 của Trung Quốc bắt đầu hành trình quay trở về Trái đất mang theo những mẫu vật đầu tiên mà nó thu thập được ở vùng tối của Mặt trăng – khu vực không thể nhìn thấy trực tiếp từ Trái đất. Đây là một thành tựu lớn đối với chương trình không gian của quốc gia này.
Trước đó, tàu vũ trụ Hằng Nga 6cao 7,2m, nặng 8 tấnđã hạ cánh thành công xuống bồn địa Nam Cực–Aitken (SPA), một hố va chạm khổng lồ ở nửa tối của Mặt trăng vào ngày 2/6. Nó đã mất hai ngày để thu thập khoảng 2kg mẫu đất đá bằng máy khoan và cánh tay robot.
Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết, hành trình quay trở về Trái đất của tàu Hằng Nga 6 dự kiến mất khoảng ba tuần. Khoang hồi quyền đựng mẫu vật sẽ lao vào bầukhí quyển và hạ cánh xuống sa mạc ở khu vực Nội Mông của Trung Quốc vào ngày 25/6.
Các nhà khoa học Trung Quốc hy vọng các mẫu đất đá mà họ thu được sẽ cung cấp thêm manh mối về cách thức Mặt trăng hình thành và phát triển.
Sứ mệnh Hằng Nga 6 là một phần trong chuỗi các chuyến bay không người lái của Trung Quốc trước khi họ thực hiện sứ mệnh đưa con người lên Mặt trăng, dự kiến diễn ra vào năm 2030. Trong đó, tàu Hằng Nga 7 sẽ tìm kiếm nước ở cực Nam của Mặt trăng, và tàu Hằng Nga 8 sẽ nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng một căn cứ trên bề mặt Mặt trăng.
Nguồn: Theguardian, UPI
Bài đăng số 1295 (số 23/2024) KH&PT
Quốc Hùng và nhóm tác giả lược dịch