Kế hoạch này được đưa ra nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa và để giảm phát thải, nhưng chính phủ đang phải đối mặt với những lời chỉ trích về việc triển khai chưa đủ nhanh.
Bộ Tài chính Anh cho biết loại thuế mới - áp dụng với các vật liệu thô nhập khẩu như thép và ximăng từ năm 2027 - sẽ giúp giải quyết vấn đề các nhà sản xuất Anh bị thiệt về giá so với đối thủ nước ngoài, khi những đối thủ này không bị chính phủ nước họ đánh thuế dù phát thải nhiều cacbon. Kết quả là phát thải chỉ đơn giản được chuyển cho các nước khác, trong khi các nhà sản xuất xanh hơn ở Anh chịu thiệt vì phải trả các loại phí liên quan đến cacbon.
Theo Bộ Tài chính Anh, các loại thuế sẽ phụ thuộc vào lượng phát thải trong quá trình sản xuất sản phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào chênh lệch giữa giá cacbon áp dụng ở nước sản xuất và giá cacbon mà các nhà sản xuất Anh phải trả.
Các nhóm công nghiệp hoan nghênh kế hoạch này nhưng đồng thời cảnh báo rằng thời hạn đưa ra vào năm 2027 là quá muộn.
Cơ quan thương mại UK Steel chỉ ra rằng một cơ chế tương tự sẽ được EU đưa vào thực hiện từ năm 2026. Điều này có nghĩa là thép với hàm lượng cacbon cao từ các quốc gia như Trung Quốc có thể sẽ bị đẩy sang thị trường Anh trong vòng 1 năm, cho đến khi Cơ chế điều chỉnh biên giới Cacbon (CBAM) có hiệu lực.
Tổng giám đốc UK Steel, Gareth Stace, cho biết: “Với hơn 90% sản lượng thép toàn cầu không phải chịu chi phí carbon, việc đưa ra chính sách biên giới carbon mới để tạo ra một sân chơi bình đẳng về định giá carbon là điều đúng đắn”.
Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh,
nhận định trong giai đoạn hiện nay việc xuất khẩu của Việt Nam sang Anh không gặp nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong thời kỳ chuyển tiếp này, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng (điện, gas), có mức độ phát thải khí nhà kính cao phải chuyển đổi công nghệ để không vấp phải rào cản thuế carbon qua biên giới mới trong tương lai.
Nguồn:
Phương Anh