Độ phức tạp ngày càng tăng và vai trò của chất bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế của các quốc gia đã khiến ngành này trở nên cực kỳ nhạy cảm và chứng kiến sự gia tăng đầu tư cũng như giám sát.

Chất bán dẫn là một trong những phần cứng chiến lược nhất trên nhiều thị trường hiện nay, được thiết kế và sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu có tính phụ thuộc lẫn nhau cao, trải dài trên nhiều khu vực. Trong chuỗi thiết kế và sản xuất của mình, trung bình một con chip đi vòng quanh thế giới hơn hai vòng trước khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Còn để sản xuất một thiết bị bán dẫn, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn về hơn 1.000 bước sản xuất. Trong thị trường trị giá 595 tỷ EUR này, Hoa Kỳ và Châu Âu dẫn đầu hầu hết hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng như thiết kế các mẫu bán dẫn mới. Tuy nhiên, 75% sản lượng chip toàn cầu tập trung ở các địa điểm như Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Tuy nhiên, những lo ngại về sự gián đoạn của chuỗi cung ứng chất bán dẫn do đại dịch hay căng thẳng địa chính trị đã khiến nhiều quốc gia, khu vực đều tìm cách củng cố ngành công nghiệp bán dẫn, dẫn đến việc ban hành nhiều cơ chế giám sát, khuyến khích đầu tư cũng như bảo hộ trong nước cho lĩnh vực này. (Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn do đại dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại cho GDP của Hoa Kỳ lên tới 240 tỷ USD. Châu Âu cũng phải gánh chịu thiệt hại lên tới 112,7 tỷ EUR).

Các nhà phân tích đã đưa ra những xu hướng đầu tư, giám sát ảnh hưởng tới ngành bán dẫn hiện nay:

Gia tăng đầu tư

Vào tháng 7/2022, Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật khoa học và khuyến khích sản xuất chất bán dẫn (CHIPS), tài trợ 52 tỷ USD để hỗ trợ mở rộng sản xuất chất bán dẫn, các trung tâm công nghệ khu vực cũng như nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn, cùng các sáng kiến khác. Đây là khoản đầu tư 5 năm lớn nhất vào nghiên cứu và phát triển công trong lịch sử Hoa Kỳ. Đạo luật CHIPS cũng đặt ra các hạn chế, cấm các đơn vị nhận tài trợ mở rộng sản xuất chất bán dẫn ở Trung Quốc và các quốc gia được luật pháp Hoa Kỳ xác định là gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ.

Ủy ban Châu Âu đã đề xuất Đạo luật CHIPS tương tự với Hoa Kỳ, bao gồm hơn 43 tỷ EUR đầu tư công và tư nhân để củng cố hệ sinh thái bán dẫn của Liên minh Châu Âu và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài và mục tiêu tăng gấp đôi thị phần sản xuất vi mạch toàn cầu của EU lên 20% vào năm 2030.

Song song với việc ngày càng tập trung vào việc củng cố năng lực bán dẫn trong nước, việc giám sát pháp lý đối với hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) bán dẫn cũng ngày càng gia tăng. Các chính phủ ngăn chặn sự tập trung độc quyền về mặt chuyên môn hoặc công nghệ trong thiết kế và sản xuất chất bán dẫn vào tay một số đơn vị và quốc gia nhất định, đồng thời tìm cách để ngăn chặn việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ và bí quyết cho các quốc gia đối thủ cạnh tranh hoặc là mối đe dọa đối với lợi ích an ninh quốc gia.

Tăng kiểm soát, giám sát

Sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ không chỉ giới hạn ở quy định đầu tư. Vào tháng 10/2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố thêm các biện pháp kiểm soát phức tạp đối với việc xuất khẩu các mặt hàng sản xuất máy tính và chất bán dẫn tiên tiến, bao gồm các danh mục chip mới, mặt hàng máy tính có chứa chip, thiết bị sản xuất chất bán dẫn và các mặt hàng sẽ được sử dụng trong siêu máy tính đặt tại hoặc gửi đến Trung Quốc theo danh sách các mặt hàng do Bộ kiểm soát. Hoa Kỳ đang tìm cách thuyết phục EU và Nhật Bản áp đặt các hạn chế xuất khẩu tương tự. Sau đó, vào tháng 3/2023, Hà Lan đã cùng Hoa Kỳ áp đặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc, và Nhật Bản cũng tuyên bố đang xem xét các hình thức hạn chế xuất khẩu.

Tại Hoa Kỳ, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Hoa Kỳ (CFIUS) đã tận dụng quyền tài phán mở rộng của mình theo Hiện đại hóa việc phê duyệt các rủi ro trong đầu tư nước ngoài (FIRRMA: Foreign investment risk review modernization act) năm 2018 khi xem xét số lượng giao dịch cao ở mức kỷ lục.

Tại Anh, Đạo luật An ninh và đầu tư quốc gia (NSIA) đã đưa ra một khuôn khổ mới để sàng lọc đầu tư. Khuôn khổ mới này cho phép chính phủ Anh kêu gọi, phân tích, áp đặt các điều kiện và ngăn chặn các thương vụ mua lại gây rủi ro cho an ninh quốc gia Anh, cho cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với 17 lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm các vật liệu tiên tiến, phần cứng máy tính, liên quan đến quốc phòng và các nhà cung cấp quan trọng cho chính phủ Anh.

Các quốc gia thành viên EU như Pháp, Đức và Ý cũng đã mở rộng sàng lọc đầu tư nước ngoài vào các ngành có tầm quan trọng chiến lược như chất bán dẫn. Hà Lan đã thông qua luật sàng lọc có hiệu lực hồi tố, cho phép kiểm tra các giao dịch hiện tại và đã thực hiện gần đây. Một số quốc gia thành viên EU khác đang có kế hoạch phát triển hoặc sửa đổi cơ chế sàng lọc đầu tư, có thể gia tăng giám sát đối với đầu tư trong nước.
Lo ngại về an ninh quốc gia
Theo các nhà phân tích, những lo ngại về an ninh quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc xác định sự thành công của kế hoạch bán dẫn. Bởi vì chip tự nó đã có rất nhiều ứng dụng hoặc hoặc công nghệ liên quan đến an ninh quốc gia, chính phủ sẽ không ngần ngại can thiệp vào những thỏa thuận bán dẫn được cho là có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Một trong số các ví dụ là việc chính phủ Hoa Kỳ đã ngăn chặn một loạt các giao dịch. Năm 2016, Hoa Kỳ chặn đề xuất mua lại Aixtron, Inc. của Grand Chip Investment GmbH vào tháng 12 của Quỹ đầu tư Fujian Grand Chip LP và những nhà đầu tư khác, một số thuộc sở hữu của chính quyền Trung Quốc. Hoa Kỳ ngăn cản không chỉ do lo ngại về những tổ chức liên quan đến chính phủ Trung Quốc, mà còn lo về công nghệ của Aixtron trong việc sử dụng gallium nitride, một vật liệu bán dẫn đất hiếm tiên tiến với những ứng dụng trong vận tải điện, truyền thông không dây, khám phá không gian. Thỏa thuận này do đó đã bị chặn lại vì lí do an ninh quốc gia.

Tương tự, chính phủ Hoa Kỳ đã can thiệp ngăn thương vụ chuyển nhượng Lattice Semiconductor của Canyon Bridge, một nhóm nhà đầu tư có trụ sở tại Hoa Kỳ, trong đó bao gồm cả Quỹ Tài chính mạo hiểm Trung Quốc. Chuyên môn của Lattice trong sản xuất các con chip silicon được lập trình khiến những sản phẩm của họ phù hợp với các mảng như học sâu, một công nghệ có thể được sử dụng trong các hệ thống vũ khí và quốc phòng.

Việc Qualcomm được Broadcom mua lại cũng nằm trong xu thế này. Broadcom được đặt tại Singapore, vì vậy thỏa thuận này được coi như một thương vụ giữa một công ty Hoa Kỳ và một công ty nước ngoài nhưng các nhà quản lý vẫn sợ hãi điều này có thể dẫn đến việc Trung Quốc hưởng lợi trong cuộc chạy đua phát triển các công nghệ truyền thông 5G. Tại thời điểm của “cuộc chiến thương mại” giữa hai quốc gia, Hoa Kỳ đã ngăn không cho thỏa thuận này diễn ra vì lo ngại an ninh quốc gia.

Nguồn ảnh: Applied Materials
Nguồn ảnh: Applied Materials


Gia tăng giám sát

Các cơ quan của chính phủ đang mở rộng phạm vi xem xét của mình. Báo cáo thường niên mới nhất của CFIUS cho thấy CFIUS đã đánh giá lại số lượng các vụ chuyển nhượng và số các cuộc điều tra cao kỷ lục trong năm 2021 so với năm 2020. Phần được đánh giá kỹ nhất là ngành bán dẫn với 20% số vụ có sự can thiệp của CFIUS trong năm năm gần nhất.

Thậm chí trong nhiều trường hợp sự can thiệp của các chính phủ ở mức đáng ngạc nhiên. Tháng 12/2021, Magnachip Corp., một nhà thiết kế và sản xuất bán dẫn có trụ sở tại Hoa Kỳ và được vận hành chính tại Hàn Quốc, và Wise Road Capital, một công ty tư nhân Trung Quốc, bị ngăn chặn sáp nhập, một thương vụ trị giá 1,4 tỉ euro sau một cuộc can thiệp bất ngờ của CFIUS bởi cơ quan này tin là cuộc thỏa thuận tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Gần đây, chính phủ Anh loan báo sẽ yêu cầu công ty công nghệ Trung Quốc Nexperia BV bán 86% cổ phần nhà máy bán dẫn lớn nhất Anh là Newport Wafer Fab vào tháng 7/2021. Chính phủ Anh nhận ra những nguy cơ rủi ro với an ninh quốc gia từ “công nghệ và know-how có thể dẫn đến tái triển khai các hoạt động sản xuất bán dẫn tại Newport”. Chính phủ cũng nhận thấy một lo ngại về việc “địa điểm này có thể được sử dụng để tiếp cận các chuyên gia công nghệ và know-how ở cụm công nghệ South Wales […] và mối liên hệ giữa địa điểm với cụm này có thể khiến nó gắn kết với những dự án tương lai ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.

Chống độc quyền

Các chính phủ cũng rất lo ngại xu hướng độc quyền và xem xét kỹ lưỡng các thỏa thuận giữa các công ty dẫn đầu thị trường.

Vào năm 2015, công ty Applied Materials Inc. có trụ sở ở Hoa Kỳ đã lên kế hoạch chuyển nhượng trị giá 7,09 tỉ USD với công ty Tokyo Electron Ltd, một cuộc thỏa thuận dẫn đến việc kết hợp các nhà sản xuất lớn thứ nhất và thứ ba thị trường công cụ bán dẫn. Nhưng sau 18 tháng thảo luận, vụ này đã buộc phải dừng lại do lo ngại của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ về tình trạng độc quyền trên. Năm tiếp theo, kế hoạch của Lam Research Corp. trong việc mua lại đối thủ cạnh tranh KLA-Tencor Corp. đã thất bại sau khi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nhận thấy ảnh hưởng đến thị trường thiết bị chế tạo wafer. Sự chuyển nhượng, dù diễn ra giữa hai công ty Hoa Kỳ, cũng tạo ra một công ty lớn kiểm soát 42% thiết bị chế tạo wafer trên thị trường.

Trong một số trường hợp, lo ngại về độc quyền dấy lên từ tác động của M&A lên những công ty hoàn tất các khâu cuối của ngành công nghiệp bán dẫn. Vụ chuyển nhượng Arm của Nvidia là một trong những trường hợp như thế. Sau phiên mở màn đánh giá sâu của các cơ quan Hoa Kỳ và Anh và Liên minh châu Âu, rõ ràng là vấn đề thực chất trong thỏa thuận không làm giảm sức cạnh tranh giữa các vụ sáp nhập mà còn có nguy cơ tiềm tàng ảnh hưởng đến cuộc cạnh tranh của các công ty tham gia vào các công đoạn cuối của bán dẫn. Arm là một nhà cung cấp giấy phép công nghệ chính cho các đối thủ cạnh tranh của Nvidia và các cơ quan công quyền lo ngại sự sáp nhập sẽ cho phép Nvidia có quyền ngăn những kẻ cạnh tranh quyền truy cập vào các sản phẩm của Arm.

Những xu hướng trên cho thấy châu Âu, Hoa Kỳ và nhiều nền kinh tế phát triển khác đang dành nhiều mối quan tâm vào các thỏa thuận thương mại xuyên biên giới trong ngành công nghiệp bán dẫn, và sẽ còn tăng cường các biện pháp giám sát, can thiệp.


Nguồn: allenovery.com