Hiệp định khép lại Hội nghị về Biến đổi khí hậu Liên hiệp quốc COP28 không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, song đây là lời kêu gọi rõ ràng đầu tiên về việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Kết thúc COP28 - diễn ra từ ngày 30/11 đến 12/12 tại Expo City, Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) - các nhà đàm phán đã đạt được thỏa thuận chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. .

Thỏa thuận này không đòi hỏi các nước phải loại bỏ dần hay giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nhưng đây là lần đầu tiên sau 30 năm thương thuyết, các quốc gia đã đồng ý chuyển đổi khỏi các dạng năng lượng tạo ra lượng lớn khí nhà kính. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng từ ngữ trong hiệp định cần được làm rõ hơn để chỉ ra việc phải bắt đầu giảm nhiên liệu hóa thạch trong thập kỷ quyết định này.

Tại Hội nghị về khí hậu Paris năm 2015, các quốc gia đã thiết lập cột mốc để ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5oCso với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo hiệp định mới, để đạt được mốc này, phải giảm 43% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 2019, và tới năm 2035 phải giảm 60%, ngoài ra còn phải đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy phát thải cacbon trên khắp thế giới vẫn đang tiếp tục tăng lên đỉnh điểm vào năm nay, cho dù nhiệt độ toàn cầu đã lên cao hơn 1,2oC so với thời kỳ công nghiệp. Theo NASA, lượng cacbonic thải ra hiện nay vẫn sẽ tồn tại trong khí quyển sau 300 tới 1.000 năm.

Hiệp định mới đòi hỏi các nước đồng ý tăng gấp ba nguồn năng lượng tái tạo toàn cầu và tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu suất năng lượng trung bình hằng năm vào năm 2030. Hiệp định kêu gọi gia tăng nỗ lực để loại bỏ dần than đá, giảm thải khí metan và chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch một cách công bằng, dứt khoát và đúng đắn.

Chủ tịch Hội nghị COP28, Ahmed Al Jaber, và những người khác tán thưởng việc các quốc gia đạt được thỏa thuận khí hậu đầu tiên về việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: GIUSEPPE CACACE
Chủ tịch Hội nghị COP28, Ahmed Al Jaber, và những người khác tán thưởng việc các quốc gia đạt được thỏa thuận khí hậu đầu tiên về việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: GIUSEPPE CACACE

Hiệp định trên không ràng buộc về mặt pháp lý, các nước có thể dùng nó để tạo nên các kế hoạch hành động về khí hậu kiên quyết hơn trước năm 2025. Tuy nhiên, câu kêu gọi giới hạn phát thải toàn cầu cao nhất vào năm 2025 đã bị xóa khỏi thỏa thuận cuối cùng.

Một số chuyên gia còn cho rằng văn bản vẫn còn nhiều sơ hở lớn cho phép Hoa Kỳ và các nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch khác tiếp tục mở rộng khai thác nguồn năng lượng này. Đây là một sai lầm tai hại, cho phép các nước tiếp tục sử dụng khí đốt tự nhiên và thải ra carbon.

Cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore cũng nhận định: “Hiệp định này có đánh dấu bước ngoặt cho sự khởi đầu việc chấm dứt thời đại nhiên liệu hóa thạch hay không thì còn phụ thuộc vào các hành động sau đó”.

Tuy nhiên, những người khác vẫn hoan nghênh thành tựu của Hội nghị vì nó báo hiệu cho các nhà đầu tư và nhà lập pháp rằng thế giới đang chuyển đổi khỏi nhiên liêu hóa thạch.

Hội nghị cũng thiết lập một quỹ, trong đó các nước giàu hơn sẽ góp tiền cho các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu ở những nơi khác trên thế giới. Quỹ đã nhận được hơn 700 triệu USD, song một nghiên cứu mới đây cho thấy sẽ cần hơn 400 tỷ USD mỗi năm.




Nguồn: